Lời Thiên Chúa là lời quyền năng, sống động và có sức biến đổi con người. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, con người vẫn không ngừng đào sâu tìm hiểu dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng tất cả hướng về mục đích nhằm khám phá ra ý nghĩa của Lời Thiên Chúa. Từ đó con người sẽ được no say yến tiệc Lời Ngài, được biến đổi để dần trở nên giống Chúa hơn.
Cuốn sách nhỏ bé này là một trong vô vàn những đóng góp vào kho tàng tri thức về Kinh Thánh và nó cũng có điểm đặc biệt. Phần trình bày dưới đây gồm 3 phần: giới thiệu chung và hai vấn đề được tác giả nêu lên ngay trong tên cuốn sách.
1. Giới thiệu chung
- Điểm đặc biệt đầu tiên từ tên sách. Tác giả đặt bằng hai câu hỏi. Đây là cách ít tác giả dùng vì thường khó làm nổi bật lên nội dung cuốn sách. Nhưng ở đây, tác giả đặt như vậy để nêu rõ hai vấn đề mà tác giả sẽ giải quyết. Điều này khiến cho nội dung của tác phẩm được rõ nét ngay từ đầu.
- Hai vấn đề được viết khá ngắn gọn, ngôn từ dễ hiểu, phù hợp cả cho những người có kiến thức trung bình về Kinh Thánh. Hướng đi của tác phẩm không dựa trên bản văn, ngôn ngữ nhưng trên bình diện khảo cổ và thể văn. Đây cũng là hai điểm chính yếu giúp ta tìm ra chìa khoá của vấn hai vấn đề.
- Cặp khái niệm “chính xác” và “thực” cũng mang tính chất nền tảng. Từ “chính xác” nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử tính, còn “thực” muốn nói đến việc diễn tả đúng các chân lý đức tin.
2. Tính xác thực của Kinh Thánh
- Để giải quyết vấn đề này, tác giả đưa ra mấu chốt của sự nhầm lẫn: đó là văn chương. Điều này dẫn đến các việc truyền tải nội dung. Đọc báo tin tức buổi sáng, ta phải coi đó là những thông tin mang tính lịch sử. Đọc tập truyện ngụ ngôn, ta phải rút ra được ý nghĩa, bài học đằng sau từ ngữ. Kinh Thánh cũng vậy! Kinh Thánh chứa đựng chân lý nhưng chân lý đó không được trình bày dưới thể loại lịch sử. Bên dưới những câu chuyện có dáng dấp huyền thoại, Kinh Thánh truyền tải thông điệp đức tin.
- Điển hình nhất, ta phải kể đến trình thuật sáng tạo. Nhầm lẫn thể văn dẫn đến sai lầm về hướng đi, mục đích của bản văn. Khi sáng tạo con người, Thiên Chúa “mất công” để tạo tác. Điều này nói lên sự cao cả của con người. Hơi thở nói lên con người mang Thần Khí của Thiên Chúa, trở nên hình ảnh của Ngài.
- Tác giả cũng mượn lại hai khái niệm “chính xác” và “thực”. Bản văn không chính xác về lịch sử và khoa học nhưng lại rất thực. Vì nó mang kinh nghiệm của Israel, diễn tả niềm tin vào Thiên Chúa.
3. Bạo lực trong Kinh Thánh
- Hình ảnh đầu tiên mà tác giả nhắc đến, đó là án tru hiến. Câu chuyện nổi bật nhất trong Gs chương 6, kể lại việc dân Israel chiếm thành Giêrikhô. Thiên Chúa ra lệnh cho dân Israel tru hiến toàn bộ con người và súc vật. Ta biết rằng án tru diệt, nếu áp dụng ngay trong đời sống sẽ khủng khiếp đến dường nào. Nó đi ngược lại mọi luân lý, đạo đức. Đâu là chìa khoá giúp ta hiểu hình ảnh trong Kinh Thánh.
- Theo bản khảo cổ học, thành Giêrikhô bị sụp đổ vào khoảng năm 1500 TCN. Do vậy, khi dân Israel trốn vào Đất hứa thì Giêrikhô đã bị bỏ hoang. Israel nhận đây chính là phép lạ Chúa làm cho dân Ngài. Chúa đã trao đất này cho dân Ngài.
- Một điểm cần lưu ý nữa là thời gian soạn sách Giô suê đó là vào sau thời lưu đày. Sách muốn củng cố đức tin của dân vào lời hứa Thiên Chúa đã ban.
- Án tru hiến không phải viết ra để cổ vũ bạo lực nhưng đó là lời kêu gọi đoạn tuyệt với tà thần. Xuất phát từ kinh nghiệm đau thương của dân Chúa trong chiều dài lịch sử. Họ đã không thể nào từ bỏ được. Và án phạt lớn nhất cho họ, việc đi lưu đày, vẫn còn nguyên giá trị. Thành ra, án tru hiến như một lời mời gọi mạnh mẽ dứt bỏ thần ngoại bang.
- Ví dụ thứ hai mà tác giả đề cập đến, đó là việc có những Thánh vịnh nguyền rủa. Liệu ta có thể cầu nguyện với những thánh vịnh này? Có những luồng tư tưởng đã loại trừ các thánh vịnh đó. Tuy vậy, quan điểm của giáo hội luôn tôn trọng gia sản tinh thần vô giá này. Hội Thánh không bỏ đi những gì dường như là không thể hợp với lẽ thường con người. Mẹ Giáo hội muốn nhìn với lăng kính khác, nhằm nhìn ra các giá trị của Lời Thiên Chúa.
- Trước hết, ta cần hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Đây là điều rõ ràng và ta đã bàn đến ở ý bên trên. Tiếp đến, thánh vịnh mang lấy tâm tình của người bị bách hại. Do vậy, ta phải mang lấy đau khổ, sống cùng tâm trạng với người bị áp bức. Kèm theo đó là lời kêu xin lên Chúa để đòi công lý. Và điểm quan trọng nhất là họ phó thác sự xét xử cho Chúa với mong muốn sự dữ bị loại bỏ.
Kết luận
Với hai điểm mấu chốt là thể loại văn chương và ý nghĩa ẩn dụ, tác giả muốn nói với độc giả về tính “thật” của Kinh Thánh. Với cách thức đó, chúng ta sẽ tiếp cận Kinh Thánh với cách quân bình, không có định kiến. Ngoài ra, còn cần rất nhiều khía cạnh khác được nhiều tác giả khác nói đến nhưng trong tập sách nhỏ này, tác giả nhấn mạnh đến hai điểm trên đây.
Chúng ta cũng cần ý thức rằng Kinh Thánh không dừng lại trên bình diện tri thức nhưng cốt yếu nhất đi vào cuộc sống, biến đổi con người, làm lương thực cho đời sống chúng ta. Tuy vậy, việc học hỏi về Kinh Thánh là điều cần thiết. Nói đúng hơn, việc nghiên cứu cách nghiêm túc phải được đặt trọng tâm trên nền tảng một tâm hồn khiêm nhường và sống lời Chúa.
(Chủng sinh: Vinhsơn Trần Quang Thế)