Tâm lý học đám đông
Việc nảy sinh những cuộc đảo lộn vĩ đại làm tiền đề cho những thay đổi của nền văn minh cũng như sự sụp đổ của các triều đại hay của các thể chế chính trị. Nguyên nhân sâu xa là do sự biến đổi sâu sắc trong tư tưởng của con người. Thời đại ngày nay là một trong những khoảnh khắc quyết định mà tư tưởng của loài người đang trải qua quá trình biến chuyển.
Có hai yếu tố cơ bản là nền tảng của sự biến chuyển này. Thứ nhất là sự tan vỡ những đức tin tôn giáo, chính trị và xã hội, vốn là căn nguyên cầu mọi yếu tố cấu thành nên nền văn minh của chúng ta. Thứ hai là việc hình thành những điều kiện hoàn toàn mới về sinh hoạt và tư tưởng, do những phát minh khoa học và công nghiệp hiện đại mang đến.
Vậy các xã hội tương lai sẽ xây dựng trên nền tảng nào? Chúng ta vẫn chưa biết. Nhưng ngay bây giờ chúng ta thấy rõ ràng rằng để tổ chức tốt các xã hội tương lai đó sẽ phải tính đến một quyền lực mới, quyền lực cao nhất trong thời đại này: đó là quyền lực đám đông. Trên đống đổ nát của những tư tưởng mà ngày xưa được coi là chân lý còn ngày nay đã lụi tàn, bao nhiêu quyền lực đã bị các cuộc cách mạng lật đổ, thì chỉ có quyền lực của đám đông nổi lên và dường như sẽ nuốt chửng các quyền lực khác. Trong khi mọi niềm tin từ nghìn xưa của xã hội đang lần lượt sụp đổ, thì chỉ có quyền lực của đám đông là không gì đe dọa được và uy lực của nó đang ngày càng lớn mạnh. Thời đại mà chúng ta đang bước vào chính là Thời đại của đám đông.
Tâm lý học đám đông gồm 3 phần chính với những nội dung được sắp xếp như những bậc thang, dẫn dắt độc giả đi từng bước một, làm rõ những thắc mắc và vén màn những góc khuất sự kiện lịch sử thế giới.
Phần 1: Tâm hồn đám đông
Chương 1: Các đặc điểm chung của đám đông - Quy luật tâm lý về sự thống nhất tinh thần của đám đông
“Đám đông” là tập hợp những cá nhân bất kỳ quốc tịch, ngôn ngữ, độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, mức sống nào đang tập trung lại với nhau. Tuy nhiên, từ góc nhìn Tâm lý học, “đám đông" lại được nhận định rất khác: “Trong những hoàn cảnh nhất định, và chỉ trong những hoàn cảnh đó, một nhóm người sẽ có những đặc tính mới rất khác so với đặc tính của từng các nhân cấu thành nhóm đó. Nhân cách có ý thức biến mất, tình cảm và suy nghĩ của mọi cá nhân đều hướng về một phía. Một tâm hồn tập thể được hình thành, dù chỉ là tạm thời, nhưng thể hiện những đặc tính rất rõ ràng.
Điều nổi bật nhất của một đám đông tâm lý là: bất kể những cá nhân đó là ai, dù giống nhau hay khác nhau về lối sống, nghề nghiệp, tính cách hay trí tuệ thì việc nhóm họp trong một đám đông sẽ khiến họ có cùng một tinh thần tập thể, khiến họ cảm nhận, suy nghĩ và hành động theo cách hoàn toàn khác so với khi họ còn là những cá thể cảm nhận, suy nghĩ và hành động riêng biệt. Có những suy nghĩ và tình cảm chỉ nảy sinh hoặc biến thành hành động cụ thể ở những cá nhân gắn bó với đám đông. Đó chính là quy luật tâm lý về sự thống nhất tinh thần của đám đông.
Chương 2: Tình cảm và đạo đức của đám đông
Nghe đến hai từ “đám đông" thì ta thường nghĩ ngay đến cụm “đám đông gây rối”, “đám đông bị kích động”, “đám đông hỗn loạn... Vậy nên có vẻ như tác giả đã khẳng định rất cụ thể rằng “Đám đông” là trò đùa của các tác nhân kích động bên ngoài, những phần tử với mục đích không hề thiện chí. Tác giả đã phân tích ra 4 thuộc tính của đám đông như sau:
1. Tính bốc đồng, tính dễ thay đổi, tính dễ bị kích động của đám đông.
2. Tính dễ bị ám thị và tính cả tin của đám đông.
3. Sự thái quá và phiến diện của tình cảm đám đông.
4. Sự bất khoan dung, độc đoán và bảo thủ của đám đông.
Về đạo đức của đám đông. Tác giả cho ta thấy, ngoài việc đám đông có khả năng chém giết, đốt phá và gây ra tội ác, thì cũng còn những hành động tận tâm, hy sinh, hiến dâng rất cao cả, có khi còn cao cả hơn hẳn một cá nhân độc lập. Ví dụ về các cuộc Thập tự chinh và các đoàn quân tình nguyện năm 1793. Đám đông biểu tình vì 1 khẩu hiệu hơn là vì để được thêm đồng lương ít ỏi. Ngay cả những tên vô lại, khi là thành viên của đám đông cũng sẽ trở thành những kẻ rất tôn trọng những nguyên tắc đạo đức. (ví dụ trang 72)
Nói cách khác, đám đông là những điều không được mưu tính trước về tư duy phản ứng với tác động cũng như hành động. Họ có thể trải qua những cảm xúc phản ứng không hề giống nhau, logic của họ cũng không có nhiều liên kết với thông tin ban đầu mà dựa rất nhiều vào sự đánh giá chủ quan của những thành viên trong đó. Đám đông mặc định hình ảnh mà họ tin tưởng, xuất hiện trong tâm thức có quan hệ gần gũi trực tiếp với sự việc đang diễn ra hơn là sự thật của chính vấn đề đó.
Chương 3: Những tư tưởng, lập luận và trí tưởng tượng của đám đông
Theo như những nghiên cứu và tổng hợp tài liệu, Nhà tâm lý học Le Bon đã phân nó ra làm hai loại cơ bản. Đầu tiên là những tư tưởng ngẫu nhiên, không có quy luật và ảnh hưởng bởi những thức cực kỳ chủ quan như sự hâm mộ, tin tưởng với một cá nhân hay học thuyết mà mình biết. Loại còn lại là những tư tưởng cơ bản mà môi trường gia đình, quy luật di truyền và đây là sự bền lâu, bất di bất dịch như những đức tin có từ xa xưa hoặc thậm chí những quy chuẩn còn phù hợp và áp dụng đến tận ngày nay.
Bên cạnh đó, năng lực lập luận của đám đông cũng không cố định. Đây là sự liên kết, xâu chuỗi các sự việc khác nhau với một số nét tương đồng và còn kết luận, khái quát vấn đề rất vội vàng trong những trường hơi riêng biệt và trí tưởng tượng của đám đông rất mạnh. Đám đông cũng ít có khả năng suy luận hay lập luận, vì thế chính những điều khó tin nhất lại thường là điều ấn tượng nhất đối với họ.
Chương 4: Những hình thức tôn giáo có trong tất cả các niềm tin của đám đông
Ở mức độ liên quan đến tín ngưỡng và lòng tin, đây đã là những lối mòn tư duy nên tác giả viết: Niềm tin của đám đông mang tính phục tùng mù quáng, tính bất khoan dung một cách khác nghiệt và đòi hỏi được truyền bá một cách bạo lực, những điểm này vốn gắn liền với ý thức tôn giáo.
Với những dẫn chứng từ sự kiện lịch sử vang động một thời như Cải cách tôn giáo, Vụ thảm sát ngày lễ thánh Bartholomew, thời kì khủng bố và tất cả các biến cố tương tự, đều là hệ quả của những tình cảm tôn giáo của đám đông chứ không phải là hệ quả từ ý chí của những cả nhân riêng lẻ nữa.
Phần 2: Các quan điểm và niềm tin của đám đông
Chương 1: Những yếu tố gián tiếp tác động lên các niềm tin và quan điểm của đám đông
Từ cơ sở là những nghiên cứu cấu tạo cơ sở niềm tin của đám đông thì đây là phần mà tác giả đưa ra những luận điểm, phân tích sâu hơn về nguồn gốc, sự hình thành các quan điểm, niềm tin vững chắc ấy của đám đông.
Tác động chính tạo nên niềm tin của đám đông tập trung vào hai loại chính: Gián tiếp và Trực tiếp. Những nhân tổ trực tiếp là thứ then chốt và lộ diện sau cùng bởi như những bài giảng thuyết, phát biểu của các nhà hùng biện, thuyết giáo. Còn những nhân tố gián tiếp là thứ điều khiển đám đông chấp nhận các niềm tin và tư tưởng khác những thứ cơ bản ban đầu. Nó làm họ chắc chắn rằng hai thứ không có sự mâu thuẫn và liên quan mật thiết với nhau. Tên của chúng là chủng tộc, truyền thống, thời gian, các thể chế chính trị cũng như sự khác biệt của nền giáo dục.
Chương 2: Những nhân tố trực tiếp tác động đến quan điểm của đám đông
Đó là những thứ họ có thể nhìn thấy bằng mắt thường và có tính thuyết phục cao như hình ảnh, ngôn từ và những công thức. Hình ảnh là thứ phong phú và dễ ghi nhớ nhất, nó sẽ làm những quan điểm hay công thức được đón nhận một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Còn ngôn từ là thứ chỉ cần bạn có đủ kỹ năng sử dụng các câu, cú pháp và nghĩa của nó thì tính thuyết phục đám đông tin vào những lập luận hoang đường nhất.
Tiếp sau đó là những ảo tưởng và kinh nghiệm của chính thành viên trong đám đông đó. Ảo tưởng là khát khao mãnh liệt một điều xa vời nào đó xảy ra. Họ từ ru ngủ và làm hài lòng chính mình về những thứ bản thân tưởng tượng ra. Bởi vậy mà từ buổi bình minh của các nền văn minh, đám đông luôn chịu ảnh hưởng của những ảo tưởng. Điều đó đã được một tác giả tổng kết: Nếu người ta phá hủy tất cả các tác phẩm và công trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ tôn giáo trong các viện bảo tàng và thư viện, phá nát rồi chất đống trước sân nhà thờ, thử hỏi những giấc mơ vĩ đại của loài người còn lại gì? Đem lại phần hi vọng cho con người phần hi vọng và ảo tưởng mà nếu không có nó con người không thể tồn tại, đó là lý do tồn tại của các thần linh, các anh hùng và các nhà thờ.
Phần 3: Phân loại và mô tả đám đông
Sau các phần trên về những quan sát, nghiên cứu, đánh giá để tìm ra những quy luật, cách thức hoạt động và hướng phát triển của đám đông cũng như những đặc điểm cụ thể của nó thì ở phần cuối này nhà tâm lý học Le Bon đã phân loại và đưa ra các mô tả cực kì chi tiết và thuyết phục về đám đông mà ông đã dành rất nhiều thời gian trong đời cho sự đi tìm những kết luận này. Đó là những tính chất như: “Đám đông không thuần nhất”, “Các đám đông không thuần nhất”... Đám đông không thuần nhất có 2 loại: đám đông vô danh (ví dụ đám đông trên phố), đám đông không vô danh (ví dụ: bồi thẩm đoàn, nghị viện,...). Đám đông thuần nhất có 3 loại: Các hội đoàn (các hội đoàn chính trị, các hội đoàn tôn giáo,..), các tầng lớp (quân sự, tăng lữ, công nhân,...), các giai cấp (tư sản, nông dân,...).
Và để chốt lại cho những kiến thức tuyệt vời và những khám phá thú vị về Tâm lý học đám đông, Le Bon đưa ra nhận định: “Hiểu rõ tâm lý của các tầng lớp cũng như tâm lí của những loại đám đông khác, tôi không thấy bất kỳ trường hợp nào bị kết tội sai lại muốn được giải quyết với quan tòa hơn là với bồi thẩm đoàn. Với các bồi thẩm, sẽ có nhiều cơ may được tuyên vô tội, và ít cơ may hơn với quan tòa. Chúng ta hãy e sợ sức mạnh của đám đông, nhưng chúng ta hãy sợ hơn thế rất nhiều sức mạnh của một số thế lực. Đám đông có thể bị thuyết phục, còn những kẻ quyền lực thì không bao giờ."
Cảm nhận cá nhân về cuốn sách
Le Bon không chỉ dừng ở việc hiểu được tâm lý của cá nhân mà ông còn hiểu và đưa ra những quy luật, giải thích và xu hướng cho tâm lý của cả một tập thể. Bởi vậy, có lẽ trong chính chúng ta cũng nên học tập quan sát, nhớ và tìm hiểu tại sao người khác lại hành động như vậy và điều quan trọng hơn cả là hiểu và yêu thương chính bản thân mình. Đám đông ngoài kia cũng chỉ là những con người ở thời điểm đó có nhiều điểm chung tập hợp lại với nhau. Chính bản thân họ cũng có những bí mật và sự tự ti muốn dấu đi nên khi hòa mình vào đám đông mới dám bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc và thậm chí là hành động bản năng nhất của mình bởi không lo sợ bị đánh giá hay phán xét.
“Tâm lý học đám đông" giúp chính tôi hiểu những người trong tập thể đám đông hơn. Đồng thời sau khi đọc cuốn sách này, tôi cũng phác họa được chân dung của chính mình khi hòa vào những đám đông khác nhau. Vậy nên mong là chúng ta, mỗi người sẽ tìm được những “đám đông" thuộc về riêng mình, nơi mà có những người cùng tần số và lối suy nghĩ tốt hoặc hơn mình, hỗ trợ lẫn nhau để tiến lên chứ không phải là sự tụ tập của tiêu cực, tha hóa và lệch lạc về mặt tư duy và thậm chí nghiêm trọng hơn là đạo đức hay pháp luật.
(Chủng sinh: Giuse Vũ Văn Lượng)