Theo dòng thời gian và rút tỉa các kinh nghiệm trong lịch sử, "Nhẫn" đã trở thành trí tuệ cao nhất của con người và được mọi thế hệ học hỏi, lấy đó làm phương châm cho cuộc sống vốn đã quá nhiều đa đoan phức tạp. Nắm bắt được yếu quyết của chữ "Nhẫn", không một trở ngại nào không thể vượt qua, không một gian nguy nào không thể hóa giải.
Thế nhưng, chữ "Nhẫn" trong Hán tự bao gồm chữ "Đao" ở trên chữ "Tâm", biểu hiện ý nghĩa muốn đạt tới "Nhẫn", thì người ta phải hứng chịu không ít đau đớn như đao đâm vào tim. Do vậy, không phải ai cũng có thể "Nhẫn" và "Nhẫn" như thế nào để không trở thành "Nhục" thì lại là vấn đề cần tìm hiểu sâu sắc. Riêng đối với Phật giáo thì chữ "Nhẫn" mang ý nghĩa cao biệt hơn, chính là chữ "Tuệ" mà bậc Bồ Tát hay Phật phải đạt tới tối thượng. "Nhẫn" cũng là một trong những pháp môn giúp người Phật tử tu hành đạt chính quả nên rất cần xem xét cho thấu đáo.