I. Tác giả, tác phẩm
Nữ tu Maria Vũ Thị Thu Thuỷ thuộc hội dòng Mến Thánh giá Tân Lập, là tác giả của nhiều tập sách có giá trị trong lĩnh vực nhân bản, tu đức và đời sống thiêng liêng. “Tình bạn trong đời sống thánh hiến” là tác phẩm nổi tiếng của sơ.
Trong tác phẩm, sơ Maria đã trình bày cho chúng ta một cách nhìn tổng quát về tình bạn, nhất là tình bạn trong cộng đoàn sống đời dâng hiến. Trước hết, tác giả đặt tình bạn này trong bối cảnh văn hoá Việt Nam và các cộng đoàn dâng hiến, để tìm hiểu xem đâu là những đặc điểm nổi bật nhất của bối cảnh văn hoá - xã hội đã tác động đến cách suy nghĩ và nhìn nhận về tình bạn. Sau đó, tác giả tìm về nguồn, nơi nền tảng Kinh Thánh truyền thống và giáo huấn của Giáo hội và những suy tư thần học về tình bạn. Cuối cùng, tác giả đưa ra một tái khám phá tình bạn trong cộng đoàn thánh hiến với những tóm tắt, kết quả, kiến nghị theo ý kiến riêng của tác giả.
Với quyển sách này, sơ Maria đã dẫn dắt độc giả đi đến cái nhìn toàn diện và bao quát hơn trong cách hiểu về tình bạn chân thật, nhất là tình bạn trong đời sống thánh hiến. Đó là một trong những khía cạnh quan trọng của phương diện trưởng thành tình cảm mà mỗi tu sĩ và những người sống đời thánh hiến phải đảm trách cho mình trong lối sống tu trì, nhờ đó mà dễ dàng kết hợp mật thiết với Đức Kitô – Đấng mời gọi và thôi thúc họ.
II. Tổng quan về nội dung
1. Bối cảnh Việt Nam và cộng đoàn thánh hiến
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hoá nông nghiệp, bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện khí hậu, thiên tai khắc nghiệt. Sống trong hoàn cảnh như vậy, người Việt rất để ý đến mối quan hệ hỗ tương và phát triển lối suy nghĩ tổng hợp và biện chứng. Nhìn chung, người Việt có lối sống định cư, có tinh thần kỉ luật, yêu nước và hy sinh vì đồng bào cao. Tuy nhiên cũng có tình trạng sống mập mờ, nước đôi, lối nói uyển chuyển trong ngôn ngữ.
Những cộng đoàn nền tảng ở xã hội Việt Nam được tác giả liệt kê đó là: làng xã và gia đình. Đây là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới lối sống của người Việt. Nó tạo nên tính cấu kết cộng đồng rất cao. Về mặt tôn giáo: Phật giáo đã du nhập và phát triển ở Việt Nam khá sớm. Giáo lý nhà Phật phát triển học thuyết về Sangha - cộng đoàn tu hành lý tưởng nơi các thành viên có thể tương trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, Khổng giáo và Lão giáo tuy không coi trọng vấn đề tình bạn nhưng cũng ảnh hưởng sâu nặng tới tâm thức người Việt trên rất nhiều lĩnh vực.
Với đạo Công giáo, tác giả đã trình bày khái quát các tiến trình truyền giáo và phát triển của công giáo tại Việt Nam, từ giai đoạn hình thành tới ngày nay. Trong đó, tác giả đặc biệt chú ý đến sự phát triển của các hội dòng và hội nhóm truyền giáo như: hội các thầy giảng do Đức Cha Đắc Lộ sáng lập hay Dòng Mến Thánh Giá, dòng tu lâu đời và phát triển bậc nhất tại Giáo hội Việt Nam do Đức Cha Lambert định hướng.
Trong giai đoạn đất nước đổi mới, nhiều xu hướng cải cách và đổi mới ảnh hưởng lớn đến cách nhìn về cuộc sống như: nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, chủ nghĩa duy vật và hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ… Tình bạn bị coi nhẹ và không được đề cao giá trị. Đây cũng là những thách đố nghiêm trọng tới tình bạn trong cộng đoàn thánh hiến. Trước tình cảnh đó, tác giả mời độc giả có cái nhìn đúng đắn về tình bạn, cần cởi mở để trưởng thành và phát triển, đồng thời ý thức vai trò của Chúa Thánh Thần để có thể có những hành động xứng hợp, hướng tới xây dựng một tình bạn trưởng thành cả về phương diện nhân bản và thiêng liêng trong đời sống thánh hiến.
2. Nền tảng Kinh Thánh, truyền thống và giáo huấn của Giáo hội và những suy tư thần học về tình bạn.
Trước hết, tác giả trình bày những mẫu gương tình bạn nổi bật trong Kinh Thánh: tình bạn giữa Chúa với Adam Eva, tình bạn giữa Chúa với Abraham, tình bạn của Jonathan và David, nhất là tình bạn giữa Chúa Giêsu và các tông đồ: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nhưng là bạn hữu”. Thiên Chúa dành cho bạn hữu của Ngài một tình yêu nhưng không, tình yêu vượt khỏi những giới hạn bất toàn, yếu đuối những sa ngã, bất trung của con người. Đức Giêsu, Ngài thể hiện tình bạn cách rõ nét với nhân loại nói chung và với các môn đệ nói riêng qua việc Nhập thể, những hoạt động loan báo Tin Mừng của Người, qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Nhất là Đức Giêsu yêu những “người bạn” cách đặc biệt qua việc hiện diện và ở lại với họ nơi Bí tích Thánh Thể, dấu hiệu tuyệt vời của một tình bạn sáng tạo. Thiên Chúa luôn đưa ra sáng kiến, đi bước trước và mời gọi con người bước vào kết hợp tình bạn sâu xa với Ngài.
Còn phương diện Giáo hội, giáo huấn của Giáo hội về tình bạn như thế nào? ĐGH Benedicto XVI, khi nói về tình yêu, xác định 3 mức độ: Eros, Philia và Agape. Philia chính là “tình yêu của tình bạn”. Đức Giêsu còn nâng tình yêu tình bạn nên Agape, một tình yêu nhưng không, tình yêu hoàn hảo nhất của Thiên Chúa. Về truyền thống Giáo hội, quan điểm về tình bạn đã phát triển khá sớm nơi các giáo phụ Đông phương và Tây phương. Tình bạn như phương thế hữu hiệu giúp đời sống đan tu, ẩn tu được trở nên “thăng hoa” hơn. Thánh Arsenius nói rằng tình bạn là cực kì cần thiết với người sống tu trì. Trong hành trình tìm kiếm Chúa, họ rất cần lời khuyên và sự hỗ trợ của anh em. Tuy vậy, sau những năm 1100, tình bạn mất đi vị trí nổi bật của nó trong các tài liệu tôn giáo và tu đức ở phía Tây Châu Âu. Đầu thế kỉ XIII trở đi, tình bạn trở nên mơ hồ, thậm trí không ai thích. Các thánh huyền bí như Têrêsa Avila thì cho rằng tình bạn cần được thiêng liêng hoá, thánh nhân coi trọng tình bạn với Chúa hơn tình bạn trần thế.
Ngày nay, Giáo hội đặc biệt coi trọng vấn đề tình bạn trong cộng đoàn thánh hiến, coi đó như biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa. Giáo hội mời gọi mỗi tu sĩ đi vào linh đạo tình bạn như tình bạn với Chúa Giêsu, mẫu gương cho tình bạn của mỗi tu sĩ.
3. Khám phá lại tình bạn trong cộng đoàn thánh hiến
Tác giả trình bày những suy tư căn bản về tình bạn trên chiều kích tri thức, thiêng liêng và cộng đoàn của tình bạn.
Về các loại tình bạn, Aristote nhận dạng 3 loại như đã trình bày. Đặc biệt, ông lưu ý đến loại Agape với đặc điểm: “thật sự ước muốn điều tốt cho người khác, sự phụ thuộc lẫn nhau và khả năng để thấy người bạn như một cái tôi khác”. Tình bạn có những tính chất và đặc điểm độc đáo như: sức hấp dẫn, sự giống nhau, cùng nhau, tự do tính, thiện ý, phụ thuộc lẫn nhau, chia sẻ của cải, tin tưởng và trung thành.
Về những cản trở tình bạn, có thể thấy rất nhiều yếu tố gây nên những rạn nứt và chia rẽ tình bạn: việc chuyển rời, chủ nghĩa cá nhân, sự hiểu biết kinh tế và cuộc sống gia tăng.
Ở phương diện thiêng liêng, tác giả đề cập đến: tình bạn với chính mình, tình bạn với người khác. Ta cần có sự trưởng thành thiêng liêng trong quan hệ tình bạn với anh chị em mình, hướng tình bạn của họ đến sự trưởng thành nơi Chúa. Sau cùng, ta cần xây dựng tình bạn với Chúa, nhờ đời sống thờ phượng, nhất là nơi Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch cho đời sống linh hồn ta.
Về chiều kích cộng đoàn, tình bạn trong cộng đoàn hay hội dòng được xây dựng và phát triển dựa trên sự liên hệ với hội dòng, trên đặc sủng và sứ mạng được chia sẻ chung giữa các anh chị em. Người tu sĩ sống tình bạn chính là giúp nhau hoàn tất đặc sủng, linh đạo và sứ mạng của hội dòng mình.
Như vậy qua gần 200 trang sách, sơ Maria đã giúp ta có cái nhìn tổng quan về tình bạn trong cộng đoàn, từ việc phân tích bối cảnh văn hoá, xã hội và những giáo huấn chính thức của Giáo hội về vấn đề này. Cuốn sách thực sự hữu ích cho những ai đã, đang và sẽ bước vào đời sống dâng hiến, lối sống huynh đệ rất cần đến tình bạn chân thành để giúp đỡ nhau sống ơn gọi và sứ vụ cao quý mà Chúa mời gọi.
(Chủng sinh Giuse Trần Văn Khuê)