Ngày nay, con người bị cuốn theo lối sống hưởng thụ trong một thế giới đầy tiện nghi. Bởi đó, con người đang mất quân bình trầm trọng giữa tâm và vật, giữa đức tin và thế tục, giữa khổ chế và tiện nghi. Người ta không muốn chấp nhận đau khổ. Họ đua nhau lên án đau khổ, thậm chí còn lên án cả Thiên Chúa, vì cứ ngỡ Ngài bật đèn xanh cho đau khổ mặc sức tung hoành. Dù sao đi nữa, đau khổ vẫn là một thực tại nhức nhối và chúng ta được thôi thúc tìm hiểu dưới ánh sáng đức tin để nhận ra ý nghĩa cứu độ của đau khổ. Cuốn sách “Đau khổ: Một thách đố cho niềm tin” của linh mục Hồng Nguyên đã ra đời với mục đích đó.
I. Thực trạng đau khổ
Tác giả trình bày tình trạng đau khổ hiện diện trên thế giới ở mọi nơi và đang đè nặng lên thân phận con người. Những đau khổ có thể đến từ thiên nhiên như bão lũ, động đất,…Nhưng đau khổ cũng xuất phát từ con người. Ở mức độ nhỏ, đau khổ của một cá nhân đến từ người thân cận hay thậm chí là từ chính mình tự chuốc lấy. Ở quy mô lớn hơn, con người phải đau khổ do những cá nhân cầm quyền gây nên như chiến tranh, diệt chủng hay từ sự bất toàn của họ. Đau khổ là một huyền nhiệm và nó gắn liền với thân phận con người. Bởi thế, nếu nương theo và tìm cách hóa giải, thì nó sẽ trở thành nhẹ nhàng. Khi có niềm tin tưởng, chúng ta sẽ tìm thấy cơ may trong mọi nghịch cảnh.
II. Đau khổ
Đau khổ từ nguyên thủy đã là một thỏa hiệp với tội lỗi. Đó là hậu quả của nguyên tội. Con người gặp đau khổ chỉ vì từ chối sự thiện. Đau khổ đến với con người ở cả thể xác và tinh thần. Bên cạnh đó, tội nguyên tổ còn đẩy con người tới tình trạng đoạn tuyệt với Thiên Chúa, và mất quân bình trong chính con người. Do nguyên tội, khổ đau đã đi vào thế gian và tội của mỗi người, từ thế hệ này qua thế hệ khác, càng làm cho khổ đau thêm buốt nhói. Sau cùng, ngoài tội lỗi, đau khổ còn phát sinh do sự yếu đuối, sự giới hạn tự nhiên của con người.
III. Con người trước đau khổ
Đối diện với đau khổ, con người thường chạy trốn, nhưng chẳng giải quyết được gì vì đau khổ vẫn còn đó. Thay vì con người chạy lại với Đức Kitô, Đấng toàn năng nhưng đã chấp nhận trở thành nạn nhân của sự dữ, để tìm ra lời giải đáp…thì lại lên tiếng phạm thượng và bị lạc hướng. Bất lực trước đau khổ, con người phản loạn bằng việc loại bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa ra khỏi đời mình. Họ dùng tự do Chúa ban để đòi quyền lựa chọn, nhưng khi sa lầy trong lựa chọn thì lại đổ thừa cho Chúa. Như vậy, đau khổ trở thành viên đá vấp phạm cho một số người. Họ không những nghi ngờ mà thậm chí còn phỉ mạ Thiên Chúa. Bởi đó, thái độ nên có là tin nhận Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ để tiếp tục tôi luyện con người và đóng góp vào công trình sáng tạo của Ngài. Và biết tự ý thức rằng mình đã lạm dụng tự do, gây khổ cho mình cũng như cho người khác.
IV. Đức Kitô với đau khổ
Khi gặp đau khổ, chúng ta phải nhìn vào Đức Kitô vì trong cuộc sống trần gian, Ngài đã luôn gần gũi với thế giới đau khổ của con người và Ngài còn là nạn nhân đầu tiên của sự dữ. Ngài đã chấp nhận sinh ra, sống và chết như một người khốn cùng nhất. Chính vì đã kinh qua đau khổ, nên Ngài sẽ cảm thông mọi nỗi khốn quẫn của ta. Ngài hiểu, không bằng sách vở, nhưng bằng chính kinh nghiệm của Ngài. Cho nên, mỗi khi gặp đau khổ, nếu có niềm tin vào Chúa thì chúng ta sẽ được Ngài trấn an. Đức Kitô phải qua đau khổ mới đạt đến vinh quang. Mỗi chúng ta, muốn chia sẻ vinh quang với Ngài, cũng không thể đi qua con đường khác.
V. Cái nhìn tích cực về đau khổ
Với cặp mắt đức tin, chúng ta sẽ khám phá ra điểm tích cực hàm chứa sẵn bên trong đau khổ và thử thách. Trước tiên, thử thách để thành nhân, thành thánh. Mạc khải ngay từ thời ông Gióp đã cho biết: “Có những đau khổ của người vô tội”. Có những đau khổ không phải do tội lỗi mang lại. Đau khổ đó là cái đã thúc đẩy con người đi lên, phấn đấu để vượt thắng nghịch cảnh. Nhờ đó, chúng ta có thể hiểu được đau khổ của kẻ khác, nhất là của Đức Kitô, để cảm thông và chia sẻ. Đau khổ đúng là con dao, biết sử dụng sẽ nên hữu ích. Ngược lại, nếu vụng về thì nhất định sẽ đứt tay, thậm chí có thể chết người nữa. Hiểu như thế, chúng ta sẽ lạc quan hơn khi đối diện với đau khổ. Các thánh là mẫu gương sáng về việc đón nhận đau khổ hầu xứng đáng với tình yêu của Chúa. Các ngài có lòng ước ao nên giống Chúa Kitô, Đấng đã dùng đau khổ để chúng tỏ tình yêu của Ngài cho con người.
VI. Người công giáo với đau khổ
Với người có đức tin, đau khổ là sức mạnh cứu độ. Qua công cuộc cứu độ, Đức Kitô đã thông truyền cho đau khổ một giá trị cứu độ đặc biệt và Ngài mời gọi chúng ta tham dự vào công trình đó bằng chính đau khổ của mình. Nhờ đó, ta sẽ đạt tới sự trưởng thành thiêng liêng và nhận ra phương pháp sư phạm của Thiên Chúa: “Mọi hình phạt xảy ra, không phải để hủy diệt, mà để giáo dục nòi giống chúng ta” (2Mcb 6,12). Thêm nữa, đau khổ còn là lý tưởng của người Kitô hữu bởi đó là điều kiện để nên giống Đức Kitô và để bổ túc những gì còn thiếu sót nơi nhiệm thể Đức Kitô là Hội Thánh. Đau khổ còn trở thành sức mạnh và sự khôn ngoan. Bởi trước khi tìm được kho báu, người đi tìm phải gian nan lặn lội, chứ không thể “ngồi mát ăn bát vàng” được. Để có được kho báu là Đức Kitô thì phải qua thập giá là đau khổ. Vậy, chúng ta phai coi đau khổ như một hồng ân. Chúng ta dễ được tham dự vào vinh quang của Đức Kitô và được biến đổi cách kì diệu khi vượt qua đau khổ. Đau khổ cũng là phương thức để đền bù tội lỗi. Nếu hành xử như ông Gióp, thì sau cơn mưa, nhất định trời sẽ sáng, đau khổ nào rồi cũng qua đi. Trong đau khổ, người ta đã thấy nhiều bông hoa trổ sắc. Và trong vườn hoa lộng lẫy, đa dạng đó, hoa ân huệ sẽ trổ sắc huy hoàng. “Linh hồn người công chính ở trong tay Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa” (Kn 3,1)
VII. Tình yêu trong đau khổ
Khi nhìn đau khổ theo chiều hướng thiêng liêng, ta sẽ thấy nó là một mạc khải về tình yêu Thiên Chúa. Không những thế, đau khổ còn là bằng chứng của tình yêu. Đau khổ của Đức Kitô là bằng chứng nói lên tình yêu của Ngài với Chúa Cha. Và đau khổ của chúng ta cũng hướng đến tình yêu đó. Hoa tình yêu chỉ nở trên thập giá. Đừng cố trốn chạy mà hãy ôm lấy thập giá, để hoa tình yêu có thể mở cánh. Như thế, trong đau khổ của Đức Kitô, chúng ta đủ sức mạnh để lướt thắng tất cả.
VIII. Cái giá của đau khổ
Đau khổ có thể đền bù tội lỗi. Giá trị đền bù của đau khổ, phải nhìn vào Đức Kitô, mới thấy hết được sự bao la của nó. Nước Trời là món quà cao quý, nên muốn đón nhận thì phải chấp nhận khổ công đi tìm. Vì thế, đau khổ giúp ta xứng đáng với món quà cao quý mà Chúa sẽ ban sau này. Thêm nữa, đau khổ còn có thể mua ơn cứu rỗi cho người khác nữa. Cuối cùng, đau khổ sẽ cho ta hạnh phúc đời đời. Bởi Chúa đã xác nhận rất rõ điều đó: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình và vác thập giá mỗi ngày”.
IX. Vinh quang và đau khổ
Thập giá là vinh dự của chúng ta. Đức Kitô được tôn vinh và đã đón nhận thập giá. Mỗi người chúng ta, muốn chia sẻ vinh quang với Ngài, cũng không thể đi con đường khác. Chúa mời gọi ta vác suốt cả cuộc đời, nhưng đừng sợ, vì Chúa luôn đồng hành, dìu dắt ta đi tới đích điểm vinh quang. Không những thế, đau khổ còn góp phần tôn vinh Thiên Chúa. Trao chén thuốc đắng cho con uống không phải vì ghét con, mà là biểu lộ tình thương muốn chữa trị của cha mẹ. Cũng thế, khi trao đau khổ cho chúng ta, Thiên Chúa muốn chúng ta, nhờ đau khổ, hiểu được thế nào là yêu thương. Nhờ đó, lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ lộ.
X. Tin tưởng và hy vọng
Là Kitô hữu, khi đối diện với đau khổ, chúng ta được mời gọi hãy coi đó như một khuyến khích để phát triển niềm tin. Một hạt giống muốn nẩy mầm, phải chấp nhận nứt vỏ. Phần chúng ta, nếu chấp nhận cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống với Người. Đã là “đường trần” là phải có “gian nan”. Bởi đó, khi gặp buồn phiền và đau khổ, đừng bận tâm thắc mắc hay tỏ ra tuyệt vọng. Đường đau khổ là đường nên thánh. “Ai chịu đau khổ trong thân xác, là đã đoạn tuyệt với tội lỗi” (1Pr 4,1). Với người có niềm tin vào Đức Kitô, đau khổ lại là việc loan truyền Tin Mừng là chính cái chết và sự phục sinh của Ngài. Sau cùng, đau khổ là giấy thông hành để nhập cảnh Nước Trời. Quả thế, đau khổ thực sự là lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở, là tiếng gọi của bình minh.
(Chủng sinh: Vinh sơn Trần Anh Tuấn)