Công đồng Vaticano II đã mở ra một hướng đi mới trong thần học về Đức Maria. Một đàng thần học dựa trên các dữ liệu của mặc khải, chứ không theo các giả thuyết, đàng khác, cần hướng đến vai trò của Đức Maria trong màu nhiệm của Đức Kitô và Hội Thánh. Từ sau Công đồng, khoa Thánh Mẫu học đã tiến triển rất nhiều, cách đặc biệt do sự thúc đẩy của Đức Gioan Phaolo II. Tiếc rằng những sách viết về Thánh Giuse theo phương pháp thần học vừa nói vẫn còn ít. Trong tập sách này, tác giả mong muốn bổ túc phần nào thiếu sót đó, bằng cách trình bày vai trò của Thánh Giuse trong mầu nhiệm của Đức Kitô và Hội Thánh, dựa theo Tông huấn Redemptoris Custos của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (15/8/1989). Hướng này giả thiết 2 điều:
- Chú ý đến các dữ kiện của mạc khải, chứ không phải là các nguỵ thư hay các mạc khải tư.
- Nêu bật vai trò của Thánh Giuse trong chương trình cứu độ: ơn gọi của người là phục vụ Chúa Cứu Thế, và vì thế, ngài là gương mẫu cho Hội Thánh trải qua mọi thời để tiếp tục sứ mạng truyền thông hồng ân cứu độ.
Tập sách gồm 3 chương:
Chương 1: Thánh Giuse trong Thánh Kinh
Chúng ta tìm hiểu vai trò của Thánh Giuse dựa theo các sách Tin Mừng, đặc biệt là trong các đoạn văn “thời thơ ấu” của Mattheu và Luca. Những đoạn văn này không chỉ liên quan đến Đức Maria mà cả Thánh Giuse nữa. Nói cách khác, việc tìm hiểu Thánh Giuse cũng giúp hiểu hơn về Đức Maria cũng như sự hợp tác của cả 2 vị trong sứ mạng phục vụ Chúa Cứu Thế.
Ngoài ra, tác giả phân tích vài đoạn văn của Cựu Ước mà Hội Thánh tiên khởi và các giáo phụ quen trưng dẫn để làm sáng tỏ vai trò của Thánh Giuse. Trong chương này, tác giả chỉ giới hạn vào việc tìm hiểu ý nghĩa những đoạn văn Tân Ước nói về Thánh Giuse. Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của những đoạn văn đó để hiểu về sứ mạng của người, cũng như là mẫu gương cho các môn đệ Chúa Kitô. Một cách cụ thể, Tông huấn Redemptoris Custos sẽ dựa vào những đoạn văn Tân Ước vừa nói, tựa như “mầu nhiệm Mân côi” để chiêm ngắm vai trò của Thánh Giuse trong sứ mạng cứu độ.
Chương 2: Thánh Giuse trong truyền thống Giáo Hội.
Tân Ước để lại cho chúng ta hình ảnh của Thánh Giuse như một con người thầm lặng: người không nói một lời nào. Thánh Giuse vẫn tiếp tục giữ thinh lặng trong lịch sử Hội Thánh: đang khi Phụng vụ đã phát triển lòng tôn kính các thánh Tông đồ và các thánh Tử đạo ngay từ thế kỉ đầu, thì mãi đến thế kỉ 17, lễ Thánh Giuse mới được cử hành trong toàn thể Giáo Hội. Lãnh vực thần học được phát triển sớm hơn, bởi vì Thánh Giuse đã được đề cập ngay từ thời các giáo phụ và kinh viện, đặc biệt là Thánh Tôma Aquino.
Cuối thế kỉ 19, Thánh Giuse thường xuyên được nhắc tới trong các văn kiện Huấn quyền, được đánh dấu bằng thông điệp Guamqua pluries của Đức Leo XIII (15/8/1889), Tông huấn Redemptoris Custos của Đức Gioan Phaolo II (15/8/1989). Trong chương này chúng ta thấy sự phát triển về thần học và sự phát triển lòng tôn kính Thánh Giuse trong lịch sử Giáo Hội. Trước tiên là những lưu truyền nơi các nguỵ thư Tân Ước. Tiếp đến, qua đường hướng thần học bàn về Thánh Giuse từ thời giáo phụ đến cận đại, sự phát triển của lòng tôn kính thánh nhân. Sau cùng là phân tích những văn kiện toà thánh trong hai thế kỉ gần đây bàn về vai trò của Thánh Giuse, quan thầy Giáo hội. Nhận xét về nguồn dữ liệu trong các tông thư.
Chương 3: Suy tư thần học.
Dựa theo chiều hướng của văn kiện vừa nói. Tác giả bàn về hai điểm:
- Vai trò của Thánh Giuse trong cuộc đời của Đức Kitô, như là người giữ gìn Chúa Cứu Thế: người là nhân chứng cho mầu nhiệm Nhập thể và cho căn cước của Đức Giêsu. Điều này sẽ được chứng tỏ khi tìm hiểu tương quan của Thánh Giuse với Chúa Giuse và với Mẹ Maria.
- Vai trò của Thánh Giuse trong đời sống của Giáo hội. Thánh Giuse phục vụ Chúa Giesu là đầu của Giáo hội, và là gương mẫu cho Giáo hội trong việc phục vụ chương trình cứu độ. Tông huấn Redemptoris Custos đề cao vài nhân đức nổi bật nơi Thánh Giuse: đức tin, trung thành với bổn phận, thinh lặng chiêm niệm.
Trong 2 chương, tác giả thu thập giữ liệu của Thánh Kinh và Thánh Truyền về Thánh Giuse. Trong chương này, tác giả sắp xếp những dữ liệu đó theo hệ thống, đồng thời cũng cố gắng tìm hiểu những lý lẽ giải thích đạo lý đức tin. Tác giả nhận xét tương tự về đường hướng suy tư thần học của Tông huấn Redemptoris Custos. Thay vì suy diễn các đặc ân cao trọng của Thánh Giuse, đức Gioan Phaolo II nhìn Thánh Giuse trong vai trò phục vụ chươg trình cứu độ, nghĩa là trong tương quan với Chúa Giêsu và với Giáo hội. Theo chiều hướng ấy, tác giả lần lượt bàn về Thánh Giuse trong cuộc đời Đức Giêsu, trong Hội Thánh và trong Phụng vụ.
Sau những suy tư thần học, tác giả dành mục cuối để tìm hiểu những hình thức phụng vụ và đạo đức dân gian dành để tôn kính thánh nhân.
Trong phần phụ lục, tác giả trích đăng nguyên Tông huấn Redemptoris Custos mà tập sách như một lời giới thiệu và chú giải, nhân dịp 380 năm ngày cha Đắc lộ đặt chân đến Cửa Bạng (19/3/1627), 40 năm ngày thành lập Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam (18/3/1967) và 80 năm thành lập Dòng Thánh Giuse Nha Trang (1/11/1926).
Nhận định
Trong cuốn sách, tác giả đã trình bày một đường hướng thần học về Thánh Giuse dựa theo Tông huấn Redemptous Custos của Đức Gioan Phaolo II:
- Cần phải đọc Tông huấn trong toàn bộ tư tưởng của Đức Thánh Cha, mà tựa đề đã gợi lên xoay quanh “Đấng Cứu Chuộc”.
- Cần phải bổ túc với những văn kiện khác của ngài nói đến Thánh Giuse, đặc biệt về gia đình, về lao động và các bài giảng lễ Thánh Giuse.
- Cần chấp nhận còn nhiều đường hướng khác để nghiên cứu về Thánh Giuse. Trong tông huấn Redemptoris Custos, vai trò của Chúa Thánh Linh không chỉ tác động nơi Đức Maria trong việc Ngôi Lời chịu thai, nhưng chắc hẳn cả nơi Thánh Giuse trong việc nâng đỡ đức tin cho người, để người đón nhận ý Chúa, tăng cường lòng nhiệt thành, hy sinh phục vụ, qua việc thánh hiến tình yêu với Đức Maria
Tập sách này chỉ là một thứ nhập đề vào việc nghiên cứu thần học về Thánh Giuse chứ chưa kết thúc. Phần cuối, tác giả cũng đã giới thiệu vài địa chỉ wed để người đọc nghiên cứu thêm.
(Chủng sinh: Giuse Trần Mạnh Cường)