Trong Công Đồng Vaticano II, các nghị phụ đã lên án tình trạng nghèo khó về phương diện kinh tế, đó là một tai họa của xã hội. Đằng khác, các ngài lại tán dương những hoạt động cổ võ sự công bằng xã hội và thấm nhuần tinh thần nghèo khó. Đức nghèo Kitô giáo không hoàn toàn đồng nhất với tình trạng nghèo khó trên bình diện kinh tế, Đức nghèo Kitô Giáo không phải gớm ghét của cải, nhưng ý thức mọi thứ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và tự nguyện chia sẻ của cải cho những anh chị em túng thiếu.
Cuốn sách “Nghèo khó đời sống thánh hiến “ gồm 3 chương.
Chương 1: Đức nghèo thánh hiến không phải là ....
1. Đức nghèo thánh hiến không phải gớm ghét của cải, nhất là tiền bạc. Chúng ta thấy tiền bạc là phát minh tuyệt vời và quan trọng của loài người. Thế giới văn minh sẽ như thế nào nếu không có tiền bạc? Phần lớn những việc chúng ta thực hiện, hoặc vì tiền, hoặc với tiền. Thật vậy, nếu tiền bạc được sử dụng một cách khôn ngoan và hữu hiệu, tiền bạc có thể làm thay đổi cuộc sống và số phận của hàng triệu người. Vậy tiền bạc là cội rễ của sự dữ hay sự thiện? Câu trả lời nằm trong tay của những người sử dụng tiền bạc. Tiền bạc chỉ là một công cụ. Đối với các tác giả trong Kinh Thánh Cựu Ước, của cải trần thế được xem là quà tặng của Thiên Chúa, mà chúng ta phải sử dụng như một phương tiện thực thi đức ái và lòng thương xót. Con người có thể vui hưởng của cải hợp pháp sao cho mình được ơn cứu độ, với điều kiện họ xem mình như người quản lý của cải, chứ không phải là sở hữu, đồng thời phải nhiệt thành làm việc thiện và chia sẻ của cải cho người túng thiếu. Họ không xem thường những thực tại trần thế, nhưng sử dụng các loài thụ tạo như một phương tiện để vươn lên Thiên Chúa.
2. Đức nghèo thánh hiến không phải sự nghèo túng. Sự giàu có bị lên án, vì đó là nguyên nhân đưa tới tình trạng nghèo đói và sự nghèo đói cũng bị lên án, vì đó là tình trạng đáng xấu hổ của xã hội, là dấu hiệu và hậu quả của tình trạng bất công. Của cải vật chất phải làm cho chúng ta trở nên người và phải được phân bố đồng đều cho con người. Một khi xã hội thiếu công bằng, chúng ta sẽ thiếu của cải và giá trị khác; đó là nguyên nhân của tình trạng phân biệt giai cấp, căm thù, tham lam và tôn sùng ngẫu tượng. Khi sự công bằng đã được thiết lập, thì sự nghèo khó hay giàu có không còn là điều hạ thấp phẩm giá con người và xúc phạm đến Thiên Chúa nữa. Sự sống và niềm hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa cũng giống như cuộc sống loài người không hệ tại ở sự nghèo khó hay giàu có, nhưng cốt tại sự công bằng đối với Thiên Chúa và tha nhân.
3. Đức nghèo thánh hiến không phải chỉ là việc xin phép, chúng ta không bàn đến vấn đề xin phép. Bao lâu chúng ta còn tuân giữ đức tuân phục, thì chúng ta buộc phải xin phép. Chỉ những người “còi cọt” mới không chịu xin phép trong những điều họ buộc phải xin phép. Tuy nhiên, nếu chúng ta giản lược đức nghèo thánh hiến vào việc xin phép, khi sử dụng tiền bạc và chi tiêu của cải, thì đó là một mưu toan không đúng. Theo một số thần học gia, sự phụ thuộc vào nghèo khó không đồng nhất với nhau. Việc lệ thuộc bề trên trong việc sử dụng của cải vật chất và sự từ bỏ quyền sở hữu trên bình diện pháp lý, đều không làm cho một tu sĩ trở nên “nghèo” trong hạn từ “nghèo khó”. Nếu một cộng đoàn sẵn sàng cung ứng cho thành viên những vật dụng, giống như những vật dụng của những người được cho là “giàu” so với mức sống quần chúng, thì tu sĩ ấy không thể được coi là nghèo.
4. Đức nghèo thánh hiến không phải là việc đi theo “ Đấng sáng lập” theo nghĩa đen. Khi tuyên khấn khó nghèo trong một cộng đoàn thánh hiến dù lớn hay nhỏ, chúng ta không thể xem những thực hành riêng của đấng sáng lập làm chuẩn mực. Nơi gương sáng và tầm nhìn của mọi vị thánh, có một điều gì đó mà chúng ta không thể thực hiện được, vì các ngài được coi là những anh hùng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và thực hiện những hành động mà Kitô hữu bình thường không có khả năng thực hiện.
5. Đức nghèo thanh hiến không chỉ là việc chung chia của cải tập thể. Chúng ta không nên đồng hóa đức nghèo Phúc âm với việc chung chia của cải tập thể, cho dù việc chung chia của cải tập thể là một hình thức hợp pháp trong việc thực hành đức nghèo Phúc Âm. Người thánh hiến không thể rút lại lời cam kết, bằng cách tuyên bố rằng: Vì cộng đoàn giàu có, nên họ có thể biện minh cho một nếp sống ít nghèo khó hơn. Điều trớ trêu là chính họ tuyên khấn, chứ đâu phải “ cộng đoàn”.
Chương 2: Ý nghĩa của đức nghèo thánh hiến.
1. Đức nghèo thánh hiến không phải là một yếu tố đã được mô tả rõ ràng; Chúng ta khó có thể đưa ra những khẳng định phổ quát về sự nghèo khó, khả dĩ áp dụng cho các cộng đoàn cụ thể, vì những cộng đoàn này đáp lại tiếng gọi của Tin Mừng một cách rất đa dạng. Chúng ta chỉ có thể giải quyết vấn đề nghèo khó trong một cộng đoàn cụ thể, khi chúng ta biết được mục đích và vị trí của cộng đoàn ấy trong môi trường xã hội. Vì thế, chúng ta không nên và không thể quy định chi tiết về đức nghèo.
2. Đừng hiểu đức nghèo thánh hiến một cách biệt lập. Chúng ta không thể bàn luận về đức nghèo một cách đầy đủ, nếu chúng ta không đặt đức nghèo trong tương quan với cộng đoàn, đời sống độc thân và tuân phục, chứng tá và hoạt động tông đồ. Khi những yếu tố trên đây hoàn toàn tách biệt với nhau, chứ không tương tác một cách năng động và có hệ thống, thì chúng ta đã tiếp cận với những khía cạnh khác nhau của một lối sống tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm. Đó hẳn là một cách tiếp cận nghèo nàn, thậm chí đưa đến tình trạng méo mó. Sẽ không có đức nghèo thật nếu chúng ta coi thường đức ái và tình yêu.
3. Tầm nhìn thần học.
a. Kinh Thánh: Nhiều đoạn Kinh Thánh có lợi cho người nghèo, nhưng các đoạn Kinh Thánh ấy lại tùy thuộc vào một linh đạo khác; Người nghèo được mời gọi chấp nhận tình trạng của mình không phải tình trạng nghèo khó, nhưng là tình trạng được Thiên Chúa ưu ái.
b. Cuộc đời Chúa Giê su: Cuộc đời Chúa Giêsu là mẫu gương về việc thực hành các lời khuyên Phúc âm. Khi nói đến đức nghèo, ta thường nghĩ đến việc noi gương bắt chước Chúa Giêsu. Đâu là sự nghèo khó đích thật của Chúa Giêsu? Đó là nỗi cùng cực tại Bê lem và trên Thánh giá, khi áo của Người bị lột sạch và đem bắt thăm. Chúa Giêsu cũng sống giản dị như một người thợ mộc tại làng Nadaret, và trong cuộc đời công khai, Người sống như một kẻ vô gia cư, không nơi tựa đầu.
c. Truyền thống giáo phụ: Các giáo phụ nên án tình trạng nghèo khó khiến con người mất nhân phẩm và sự giàu có khiến con người buông thả, vì cả hai đều không phù hợp với lí tưởng của Kitô giáo. Đẳng khác, các ngài xem sự thanh đạm và việc quan tâm đến nhu cầu vật chất của tha nhân cũng là bằng chứng của đời sống Kitô hữu chân chính.
d. Cuộc đời Thánh Phanxicô và Thánh nữ Clara: Sứ điệp mà 2 Thánh muốn công bố không phải một cuộc cách mạng xã hội nhằm loại trừ tình trạng nghèo đói. Đúng hơn, chính cuộc cách mạng với giá trị mới làm thay đổi ý nghĩa của sự nghèo khó và công bố một thế giới được giải thoát khỏi bạo lực của ích kỉ và tham lam, là cội rễ của mọi sự dữ.
4. Định nghĩa đức nghèo.
Người thánh hiến nghèo khó là người chiếm hữu Thiên Chúa và là người được Thiên Chúa chiêm hữu. Họ sống nghèo vì họ biết con người của họ và tất cả những gì họ sở hữu là những quà tặng mà Thiên Chúa ban cho họ, nên họ muốn sử dụng quà tặng ấy cách tự do và trao ban cho người khác với tinh thần phục vụ trong yêu thương.
Chương 3. Thực hành đức nghèo thánh hiến.
1. Sống nghèo là hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa: khi con người nhìn nhận quyền sở hữu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, điều này có thể giải thoát con người khỏi xu thế riêng của bản thân. Quyền sở hữu tuyệt đối của Thiên Chúa cũng làm thay đổi những câu hỏi liên quan đến việc bố thí:" Tôi sẽ dâng cúng bao nhiêu tiền bạc cho Thiên Chúa?”. Trái lại, họ sẽ tự hỏi: “ Tôi nên giữ lại bao nhiêu tiền bạc cho mình”.
a. Thanh thoát đối với của cải: Đối với Chúa Kitô, tiền bạc là một thứ ngẫu tượng mà chúng ta phải từ bỏ thì mới có thể trở về với Người. Tiền bạc có thể xui khiến chúng ta phạm tội, tiền bạc làm chúng ta có tự do và quyền lực và dường như tiền bạc có mặt ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là tiền bạc mưu toan trở thành một thứ toàn năng.
b. Đức khiêm hạ: Trong những bản văn Kinh Thánh, chúng ta thấy rõ giữa kẻ kiêu căng ngạo mạn, chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình với người hèn mọn, khiêm hạ, đặt niềm tin vào Chúa. Kẻ khiêm hạ mới là kẻ nghèo chứ không phải là kẻ kiêu căng.
2. Sống nghèo tự nguyện chia sẻ của cải cho những anh chị em túng thiếu. chúng ta phần nào tái khám phá ra được ý nghĩa đích thực của đời sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm: “hãy bán những gì anh em có và phân phát cho người nghèo”, khi phân phát cho người nghèo mà chúng ta thu được thì số tiền ấy trở thành phương tiện giúp người nghèo chiến đấu chống lại sự khốn khổ và giải thoát kế bị áp bức. Tóm lại, chúng ta không chỉ chia sẻ với anh chị em trong cộng đoàn thánh hiến, mà phải chia sẻ với những người túng thiếu nhất.
(Chủng sinh: Antôn Phạm Văn Đức)