Phần 1: Vâng phục thánh hiến từ bề trên.
Chương 1: Khái niệm quyền bính trong Tin mừng
Trước tiên tác giải giúp chúng ta nhìn lại bản chất của quyền bính theo Tin mừng, trong đó thi hành quyền bính để yêu thương, không mẫu thuẫn với kỉ luật và mệnh lệnh nhưng là mưu cầu điều tốt nhất. Bên cạnh đó, quyền bính trong đời sống thánh hiến bắt nguồn từ Tin mừng và quyền bính này là để phục vụ: “Ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ” (Mt 20,2.6). Và trên hết, sự phục vụ này bắt nguồn từ việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa, nhờ những công việc này sẽ trở thành những công cụ đạt tới hạnh phúc đích thật. Việc thực thi quyền bính sẽ khác với việc thực thi quyền lực. Quyền bính thì có tính chất Tin mừng, còn quyền lực thì không. Vấn đề đặt ra: Đâu là quyền bính? Đâu là quyền lực? Hay nói cách đơn giản hơn, đâu là ý bề trên, đâu là ý Thiên Chúa? Chúng ta vẫn nghe rằng: ý bề trên luôn là thánh ý Chúa. Ở đây tác giả dựa vào quan điểm của St. Tôma Aquinô để phân biệt hai cấu tố của sự vâng phục: chất thể và mô thể, giữa hành vi và động lực thúc đẩy hành vi. Qua đó, chúng ta có thể phân định được ý bề trên và ý Chúa muốn.
Chương 2: Thi hành quyền bính theo Tin mừng
Trong chương này, tác giả trước tiên phác thảo một chân dung bề trên, đó là người có tâm hồn đạo đức, là người bày tỏ ý Thiên Chúa cho các thành viên và liên kết họ nên một, với một tâm hồn khiêm nhường, sẵn sàng lắng nghe và học hỏi, trung thực, chân thành và nhất quán... Từ đó tác giả dẫn đến việc đó là phải thực thi quyền bính sao cho lợi ích của mỗi người được đảm bảo tối đa, bằng cách cổ võ những quyền lợi tập thể cách tối đa. Vì thế, để chuẩn bị có được bề trên tốt thì cần có sự chọn lựa và huấn luyện cách đặc biệt để gánh vác trách nhiệm. Và đây là một công việc hết sức nặng nề và can đảm.
Phần 2: Vâng phục thánh hiến từ phía thuộc cấp.
Chương 1: Quan niệm về vâng phục trong tin mừng
Tác giả lần lượt chỉ ra rằng thánh thiện là thi hành ý Thiên Chúa, sống theo gương các tổ phụ và Chúa Giêsu đã hoàn toàn vâng phục và thi hành ý Thiên Chúa. Từ đây, tác giả xác định bản chất của đức vâng phục trong đời sống thánh hiến thì không chỉ là vâng phục và làm theo ý bề trên cách mù quáng không phân định, nhưng cũng không phải là sự tự dành cho mình quyền quyết định cách tự do. Thay vào đó, cả bề trên và thuộc cấp cùng tìm kiến thánh ý Thiên Chúa trong một hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra luôn đó là trong khi tìm kiếm ý Chúa, rất dễ rơi vào chiếc bẫy của sự vâng phục tri thức, đó là các suy đoán mà mình tự cho là đúng và hợp lý. Nhưng cần phải giữ ở thế quân bình, sự vâng phục tri thức ấy là tự do nhìn nhận sự thật, vì sự thật ấy có thể bênh vực cho những lệnh truyền của bề trên và có thể hữu ích cho thuộc cấp.
Chương 2: Thi hành đức vâng phục theo Tin mừng
Chương này khởi đầu với câu hỏi: Chúng ta có buộc phải luôn vâng phục bề trên hay không? Tác giả xác định rằng, để trả lời cho câu hỏi này chúng ta phải hết sức dè dặt vì rất dễ đi đến sai lầm. Theo đó, chúng ta bị ràng buộc bởi lời khấn và lời hứa khi chịu chức, vì thế chúng ta phải vâng phục và trung thành với bề trên hợp pháp. Và về phía thuộc cấp thì sẽ là sai lầm nếu vâng phục cách mù quáng và thiếu trách nhiệm. Tư tưởng của tác giả xoay quanh vấn đè trong luân lý mà chúng ta đã có dịp được tìm hiểu: “Không buộc phải vâng phục bề trên trong những việc sai trái và bất hợp pháp”. Vậy nên tác giả đặt ra, không phải bất tuân bề trên luôn là một tội nghịch với đức vâng phục. Tác giả gọi với một thuật ngữ: “sự bất tuân tích cực”, nhưng nó có một giới hạn rất mong manh và rất dễ sai lầm trong việc bất tuân phục. Vì vậy, tác giả mời gọi thực hành bằng việc không được vâng lời cách mù quáng, để như là một sự thoái thác trách nhiệm, chứng tỏ vô tội khi thi hành ý bề trên. Sự bất tuân có trách nhiệm có thể là một điều hợp pháp về mặt luân lý và có thể cả về mặt pháp lý. Tuy nhiên, chúng phải dựa trên những nguyên tắc và tiêu chuẩn nhất định, đó là: dựa trên một linh đạo lành mạnh, không coi thường quyền bính là luật pháp, luôn chu toàn bổn phận với cộng đoàn và quyền bính hợp pháp, không gây tai hại trực tiếp cho ai, không lôi kéo và gây áp lực, không phải là một hành động cố ý mà phải là bất đắc dĩ, luôn phải xem là phương cách cuối cùng, và sau cùng là phải luôn hướng đến một mục tiêu chân chính.