Chương I: “Sự quan trọng của giấc mơ” trình bày việc tác giả chứng minh rằng giấc mơ đối với con người quan trọng như thế nào. Có những thứ, sự kiện… mà ta có thể ý thức được. Có những thứ không thể ý thức nhưng tiềm thức đã giúp ta ghi nhận và giữ nó ở dưới làn của ý thức.
Chương II: “Quá khứ và tương lai trong tiềm thức” trình bày việc tác giả cho thấy tiềm thức không chỉ là cái kho chứa quá khứ của ta mà còn đầy rẫy những trạng thái tâm thần và ý tưởng sắp xảy đến. Ngoài ra, tiềm thức còn giúp cho mọi người xuất hiện những tài liệu mới trong tương lai, giúp ta giải thích các hiện tượng trong giấc mơ.
Chương III: “Cơ năng của giấc mơ” trình bày việc tác giả chỉ ra rằng giấc mơ có thể báo trước một vài tình trạng mãi về sau mới xảy ra. Giấc mơ bắt nguồn từ một thần trí chưa hẳn có nhân tính, có thể là tiếng thì thầm của thiên nhiên, nhưng nhiều khi cũng ác độc. Cần phải có sự hài hoà giữa ý thức và tiềm thức để cùng phát triển song song.
Chương IV: “Phân tích giấc mơ” trình bày ý kiến tác giả cho rằng chính chủ thể của giấc mơ mới có thể giải thích được giấc mơ ấy. Nhưng vẫn có sự trao đổi biện chứng giữa chủ thể và người trị liệu. Ông muốn chủ thể chủ động vì tự do và tư cách của con người cần được bảo toàn.
Chương V: “Vấn đề chia loại người về phương diện tâm lý học” được tác giả chia rõ ràng thành người hướng ngoại và người hướng nội. Ở mỗi loại người lại hình thành những cá thể với những tính cách độc đáo, riêng biệt. Vì vậy, cách tiếp cận cũng khác nhau.
Chương VI: “Nói về siêu tượng trong biểu tượng giấc mơ” trình bày việc tác giả cho rằng siêu tượng nằm trong các khuynh hướng tạo ra những ý tưởng như thế chứ không phải chính những ý tưởng ấy. Siêu tượng là một khuynh hướng bản năng. Ông nói về mối liên hệ giữa siêu tượng và bản năng. Có thể dùng siêu tượng để giải thích các giấc mơ.
Chương VII: “Linh hồn loài người” trình bày việc tác giả cho rằng linh hồn xuất hiện trên thế gian là để con người có những ý niệm đại quát và những tư tưởng để thấy cuộc đời có ý nghĩa và tìm chỗ đứng trong vũ trụ. Ông có vẻ theo vô thần, sống tốt đẹp ở trần gian là đủ.
Chương VIII: “Vai trò cuả biểu tượng” nói về việc tác giả cho rằng biểu tượng văn hoá vẫn giữ được tính chất huyền nhiệm, quyến rũ nguyên thuỷ làm người ta say mê. Biểu tượng của giấc mơ cố gắng đền bù sự mất mát quan trọng, bản chất nguyên thuỷ của ta. Biểu tượng sẽ thật hữu ích nếu ta nhìn thấy giá trị của nó, đặc biệt là để luận giải giấc mơ.
Chương IX: “Lập lại mối liên hệ giữa tiềm thức và ý thức” trình bày việc tác giả xác định mối liên hệ giữa tiềm thức và ý thức. Từ đó, ông chỉ ra sự quan trọng của tiềm thức đối với con người. Và các giấc mơ lại hết sức có giá trị trong cuộc sống của con người. Đặc biệt là trong một thế giới mà con người dần mất niềm tin vào các tôn giáo.
Như vậy, khi trình bày nội dung cuốn sách, tác giả đã bỏ hẳn ngôn từ và lý luận chuyên môn. Ông dùng một thể văn bình dị, dể hiểu để trình bày một học thuyết hết sức khúc mắc chỉ dành cho một số chuyên gia. Với sự trình bày sáng sủa, giản dị của ông, người đọc có thể biết được nét đại cương về phân tâm học. Đặc biệt, ông còn sử dụng nhiều ví dụ từ thực tiễn, những người bệnh mà ông đã điều trị để minh hoạ. Đây chính là một số nét tiêu biểu của tác giả trong tác phẩm “Thăm dò tiềm thức”.
(Chủng sinh: GIuse Mai Hoàng Dũng)