Khi nhìn lại dòng lịch sử của thế giới, điều mà ta không thể tránh khỏi và công nhận với nhau rằng chưa vật thể nào đã từng sinh ra mà tồn tại mãi. Khoa học cho biết những thứ tưởng chừng không bao giờ mất đi như ngôi sao hay hành tinh thì cũng sẽ có ngày hủy diệt của nó. Nhìn vào chính lịch sử của loài người ta cũng thấy rằng chưa ai có thể sống bất tử được mãi, có ngày sinh ra thì ắt phải có ngày chết đi. Cái chết làm cho biết bao con người khi suy ngẫm về cuộc đời ngắn ngủi của mình phải sợ sệt và đi tìm cho mình liều thuốc trường sinh.
Con người khi đứng đối diện với cái chết thì sẽ suy nghĩ gì? Và con người quan niệm về sự chết như thế nào? Xin giới thiệu quý độc giả cuốn sách “triết lý sinh tử Đông Tây”.
Chương mở đầu, nhà sinh tử học E.Ross nói: “Cái chết cũng như sự sống, là một phần tồn tại, trưởng thành và phát triển của loài người". Một câu hỏi thường hay được đặt ra: khi một người đang phải đối diện với sự ra đi, thì ta phải làm gì để giúp họ thoát khỏi những đau khổ đó? Giáo sư Ross cho ta tiến trình gồm năm giai đoạn mà người sắp lâm chung trải quanh như một cách để chuẩn bị đối mặt với giây phút đó: từ phủ nhận đến sống cách ly, bực bội, mặc cảm, trầm cảm cuối cùng là chấp nhận. Và khi ta giúp họ có cái nhìn, cách đối diện, cách vượt qua; thì ta sẽ dạy dỗ cho những trẻ em trong gia đình làm sao để chúng có cái nhìn, cách đón nhận sự ra đi của người thân? Là phần tác giả muốn đề cập đến phần cuối trong chương mở đầu.
Khi biết được ý nghĩa của việc giáo dục về cái nhìn giữa người sống và người chết, trong những chương tiếp theo tác giả cho ta một cái nhìn tổng quan về sinh tử quan trọng các thời đại, nền văn hóa, văn minh khác nhau.
Nhắc đến Tây phương là người ta nhắc đến những tác phẩm văn học kinh điển, vô tiền khoáng hậu và những công trình triết học đồ sộ, kiên cố của các triết gia hơn 2000 năm lịch sử. Trong nền văn học Tây Phương, quan điểm của các nhà văn về chết như thế nào? Tác giả Phùng Lô Tường đã dùng công trình nghiên cứu của nhà Sinh tử học David Carrol cho ta một cái nhìn súc tích nhất về sinh tử quan của các nhà văn Tây Phương trong tác phẩm “Phân tích cái chết" với ba chủ nghĩa: Chủ nghĩa tả thực cho ta cái nhìn rõ nét nhất của nhân vật khi đối diện với cái chết; chủ nghĩa nhân đạo cho thấy trạng thái những tâm lý của người sắp lâm chung; chủ nghĩa tồn tại cho thấy được cảm xúc của người lâm chung đến với đời sống của họ. Carrol đã đúc kết công trình nghiên cứu của ông dựa trên 18 tác phẩm nổi tiếng như: cái chết của Ivan Ilyich của Leo Tolstoy, chùm nho uất hận của John Steinbeck, Người xa lạ của Albert Camus,...
Triết học Tây phương về con người được xây dựng trên tư tưởng nền tảng của hai triết gia vĩ đại là Plato, Aristote. Plato quan niệm “trong tư cách là tinh thần, linh hồn chúng ta hiện hữu cho Ý niệm và chính từ Ý niệm và cho Ý niệm mà linh hồn sống sự sống tinh thần”. “Ý niệm thì vĩnh cửu và bất tử do vậy, linh hồn cũng bất tử". Aristote thì quan niệm “trí năng tác nhân mang nhân vị, thuộc về mỗi con người cá biệt vì vậy, có sự sống của mỗi linh hồn sau khi chết". Những triết gia sau này cũng coi cái chết là bước chuyển tiếp đến sự sống đời sau; cho đến thời sau Kant thì có thay đổi cách mạnh mẽ với tư tưởng của các triết gia như: Nietzcher thì nói “Thiên Chúa đã chết"; Heidegger thì coi “ cái chết là khả thể cuối cùng được trao cho con người”; J.P. Sarte “cái chết là sự hư vô hóa của chính khả thể tôi", coi cái chết là sự chấm dứt của con người, trở về hư vô.
Đến với Phương Đông là đến với cái nôi của các tôn giáo lớn như: Đạo, Nho, Phật, Ấn. Các tôn giáo này được hình thành nên từ những tư tưởng của các nhà hiền triết với cái nhìn sinh tử như: Nho giáo thì lấy tư tưởng của trường phái Nho gia bắt đầu từ Khổng Tử cho đến thời Vương Dương Minh coi cái quan trọng của người hệ tại ở chữ Nhân, Nghĩa lấy Nhân, Nghĩa làm gốc còn “chết sống thì có mệnh, giàu sang tại trời" (Khổng Tử) “chưa biết sống thì làm sao biết chết". Vương Dương Minh khi luận về sinh tử thì nói “biết nguyên lý chết sống, như biết ban ngày thì sẽ biết ban đêm”. Đạo giáo lấy tư tưởng của Lão Tử thì coi “Đạo là điểm cuối cùng và cung là điểm khởi đầu của vạn vật”. Phật giáo lấy tư tưởng của Đức Phật như trong Kinh Địa Tạng nói: “con người từ thân Trung ấm mà ra chết rồi thì lại trở về thân Trung ấm". Con người chỉ có thể thoát khỏi vòng luân hồi và trở về Niết Bàn khi con người giác ngộ ra cái Vô, coi mọi sự chỉ là vô, nghĩa là khi nào con người không còn trong cái Có thì sẽ tự thoát khỏi vòng Luân Hồi.
Tác phẩm “triết lý sinh tử Đông Tây" của Phùng Lô Tường là một tác phẩm cho ta cái nhìn tổng quan nhất về vấn đề sinh tử được tác giả phân tích và tổng hợp từ các tư tưởng của các triết gia và những nhà tư tưởng nổi tiếng qua mọi thời đại qua những câu danh ngôn của họ. Ông cũng làm rõ nét về sinh tử quan về từng người trong tác phẩm. Dù cho rằng tác phẩm này có ý nghĩa rất lớn với ông nhưng tác phẩm của ông vẫn có một vài thiếu sót; có lẽ, ông là người chuyên nghiên cứu về Đông Phương cho nên ông vẫn chưa thể trình bày chính xác nhất và rõ nét nhất về Tây phương được.
Vì lí do trên mà tác phẩm của ông cũng còn một vài nhận định, đánh giá chưa thực sự đúng đắn: VD: Trong phần sinh tử quan của Kitô giáo, trong phần nói về quan niệm về tội tổ tông, ông nói: “ đầu tiên Thiên Chúa tạo ra Ađam, Evà và rắn” ở đây ông có ý muốn nói rằng Thiên Chúa đã tạo ra Tên Cám Dỗ; cũng trong phần đó, sau khi con người phạm tội và bị Thiên Chúa chất vấn và trả lời thì cuối cùng rắn đã đổ lại lỗi đó cho Thiên Chúa; những điều này đi ngược lại hoàn toàn với niềm tin Kitô giáo. Trong tác phẩm này ông cũng có những nhận định còn chủ quan, hoặc có lẽ là muốn bênh vực một quan niệm nào đó cho nên ngôn ngữ trong khi ông nhận định có phần đánh giá chưa khách quan lắm: VD: trong phần trình bày sinh tử quan của Vương Dương Minh ông có cái nhìn hơi chủ quan về góc nhìn của Vương Dương Minh khi chối bỏ thuyết Luân hồi. Tóm lại, những ai đang có nhu cầu muốn tìm hiểu ý nghĩa của con người qua sinh tử, thì tác phẩm “Triết lý sinh tử Đông Tây” là tác phẩm cho bạn cái nhìn khái quát, sơ lược và tổng quan nhất. Tác phẩm cũng cho cái nhìn nền tảng để từ đó ta có thể tìm hiểu cách chuyên biệt về các tư tưởng của các tác giả trong những tác phẩm của họ.
(Chủng sinh Đa Minh Đinh Văn Quang)