Mỗi người đều có nhận định và đánh giá khác nhau về giá trị đồng tiền. Có người cho rằng tiền không mua được tất cả mọi thứ trên đời. Người khác lại có quan niệm rằng có tiền là có tất cả. Vậy giá trị của đồng tiền như thế nào? Cuốn sách “Tiền không mua được gì?” của giáo sư Michael Sandel sẽ cho người đọc câu trả lời đích đáng. Cuốn sách này gồm 5 phần, mỗi phần 1 nội dung khác nhau nhưng đều đề cập đến khía cạnh thị trường và đạo đức. Vì thế, cuốn sách này rất hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu và đào sâu về khía cạnh thị trường mua bán và đạo đức.
Phần I: “Chen lên hàng đầu”
Phần đầu, tác giả đã trình bày rất nhiều tình huống khác nhau như: chen lên hàng đầu, lối đi nhanh, làn đường dành cho xe Luxus, đầu cơ vé khám bệnh, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân,… tất cả những tình huống này đều có thể sử dụng tiền để có lợi cho mình. Chẳng hạn, tình huống thứ nhất “chen lên hàng đầu”, ai cũng biết rằng, việc xếp hàng thể hiện sự văn minh, văn hoá đẹp của con người, nhưng ít ai biết rằng, nhiều người có thể dùng 50 Dollar để đưa cho người phụ trách nhà hàng để mình có thể được dẫn lên hàng đầu mà không cần phải chờ đợi. Một tình huống khác là người bệnh có thể trả tiền để được khám nhanh hơn. Tương tự cũng có những tình huống khác: cứ trả tiền cao hơn là sẽ được ưu tiên hơn. Cứ như vậy, câu hỏi đặt ra rằng liệu xã hội có thực sự văn minh theo đúng nghĩa không? Nó có công bằng với những người khác hay không?
Theo ý kiến của một số người thị trường và xếp hàng, trả tiền hay chờ đợi đều là 2 cách khác nhau của phân bổ hàng hoá và mỗi cách lại phù hợp với những hoạt động khác nhau. Quy luật xếp hàng “đến trước được phục vụ trước” là quân bình, ta không phải lo lắng vì những người giàu có, không sợ bị mất quyền lợi. Ngược lại với những điều này, có những người nhận định rằng những người có tiền và bỏ tiền của mình ra cao hơn những người khác thì xứng đáng được hưởng lợi hơn, giống như câu nói: “tiền nào của đấy”. Tuy vậy, khi đọc cuốn sách, ta nhận thấy rằng nếu cứ dùng tiền để mua quyền lợi thì sẽ vi phạm vấn đề đạo đức. Đáng buồn; điều này lại xảy ra ở nhiều nơi, tạo nên sự mất bình đẳng, bất công.
Phần 2: Động cơ
Tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp cận một số khái niệm kinh tế theo các chuyên gia. Để rồi, chúng ta có thể thấy được động cơ ở đây là gì. Đầu tiên là khái niệm về kinh tế học. Theo Paul Samuelson, một nhà kinh tế người Mỹ định nghĩa kinh tế học được nhìn bằng những chủ đề cổ điển: “thế giới của giá cả, tiền lương, lãi xuất…, và từ đó, nhiệm vụ của kinh tế học là giải thích cách tránh khủng hoảng, thất nghiệp và lạm phát, tìm hiểu nguyên nhân tắt để chúng ta biết làm thế nào để giữ gìn năng suất sản xuất ở mức cao và làm sao để nâng cao mức sống của người dân. Mặt khác, theo Greg ManKin, khái niệm về nền kinh tế chỉ đơn giản là một nhóm người tương tác với một nhóm người khác khi họ kiếm sống cho mình. Sau khi biết một số khái niệm về kinh tế, chúng ta sẽ tìm hiểu về động cơ. Theo Steven. D. Levitt, nhà kinh tế học ở đại học Chicago và Stephen J Dubner đã phát biểu trong cuốn kinh tế học hài hước rằng: động cơ là hòn đá tảng của đời sống hiện đại”. Từ động cơ mới chỉ xuất hiện gần đây trong kinh tế. Tuy nhiên, theo từ điểm Oxford cho biết lần đầu tiên nó được sử dụng trong kinh tế là vào năm 1943 và trên tạp chí Reade’s Digest: ông Charles E Wilson kêu gọi các ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh sử dụng “động cơ lương” tức là trả lương cao hơn cho công nhân nếu họ sản xuất được nhiều hơn. Động cơ chính là viên đạn, là đòn bẩy, là chìa khoá đổi được tình thế. Ngoài ra còn có khái niệm “động cơ hoá” nghĩa là tạo động lực hoặc khuyến khích thông qua việc cung cấp động cơ (thường là tài chính). Chính nhờ động cơ này mà chúng ta chứng kiến nhiều những sự việc vi phạm đạo đức như trả tiền cho người triệt sản, thưởng tiền cho người sinh một con ở Trung Quốc, trả tiền để săn tê giác, trả tiền cho người bắn được một con hải cẩu, nghiêm trọng hơn, là trả tiền để mua lời xin lỗi và lời chúc đám cưới…, Mặc dù điều đó mang lại những lợi ích nhất định nào đó nhưng nhìn chung, nó vẫn mang dáng dấp của vấn đề vi phạm đạo đức.
Phần 3: Thị trường lấn át đạo đức.
Ở phần này, tác giả cho chúng ta thấy rõ hơn vấn đề tiền mua được gì, không mua được gì. Phần lớn mọi người cho rằng tiền không mua được tình bạn, giải Nobel, sức khoẻ…, còn lại thì tiền mua được mọi thứ. Tuy nhiên, có phải mọi thứ mua được bằng tiền đều hợp lý? Ví dụ mua lời xin lỗi, chúc mừng. Ngày nay, có lẽ thị trường còn lấn át cả phẩm giá con người. Tiền trở thành quà tặng. Điều đáng lưu tâm hiện nay là tình trạng kinh tế hoá tình yêu. Robertson thừa nhận rằng kinh tế học là để phục vụ mong muốn kiếm lợi nên không để ý đến những động cơ cao quý nhất của con người. Ông cũng kết luận rằng: nếu giới kinh tế học chúng ta làm việc tốt thì chúng ta có thể góp phần đáng kể vào việc kinh tế hoá nguồn lực hiếm hoi của tình yêu là thứ quý giá nhất trên thế giới. Có lẽ cái nhìn của Robertson thật lạ lùng và cường điệu, cách nhìn này bỏ qua khả năng chúng ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn, nhân từ hơn khi trao nhận yêu thương.
Phần 4: Thị trường sống và chết.
Chúng ta sẽ đi tìm hiểu việc nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đưa ra những chính sách kinh tế cho công ty của mình. Đầu tiên là cá cược những người bị ung thư, bị AIDS, già yếu. Người chơi sẽ bỏ ra một số tiền cá cược và dự đoán người bệnh sẽ chết trong khoảng thời gian (1 năm, 2 năm…,). Nếu sau 1 hoặc 2 năm mà người kia chưa chết thì tiền cá cược sẽ mất dần, còn nếu trong khoảng thời gian cá cược mà người kia mất thì sẽ được lãi thêm bao nhiêu phần trăm, tuỳ công ty và tuỳ người chơi thoả thuận. Ở đây người ta gọi là “bảo hiểm bánh thánh”, đánh cược vào mạng sống. Ngoài ra còn có cá cược những người nổi tiếng bị chết.
Ở phần này, chúng ta cũng được biết một hình thức trò chơi khác đó là “thị trường khủng bố tương lai” nghĩa là đoán và cá cược 1 nguyên thủ quốc gia sẽ bị ám sát trong tương lai hay lật đổ. Dù những trò chơi này không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của những người bị đưa ra cá cược, nhưng liệu những trò chơi này có vi phạm đạo đức không? Theo nhiều người, nó tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nó xúc phạm đến nhân vị và phẩm giá. Họ đưa tính mạng của người khác làm trò vui cá cược. Chúng ta nên tôn trọng người khác bằng cách không đưa tính mạng của họ ra để cá cược.
Chương 5: Quyền đặt tên
Ở phần này, chúng ta thấy được rằng tiền không những mua được thận, quyền nuôi trẻ em…, mà tiền còn mua được chữ kí của người nổi tiếng và mang đi đấu giá. Các nhãn hàng cũng sẵn lòng chi một số tiền lớn để được in tên lên áo thi đấu của những người nổi tiếng để nhiều người biết tới. Từ những quyền trên đây, ta thấy rằng xã hội đang đi theo hướng thị trường rất mạnh. Ngày nay, thị trường quảng cáo đang chiếm ưu thế, họ quảng cáo cả trên xe cảnh sát, cứu hoả, thậm chí cả ở nhà tù và trường học.
Cuốn sách “tiền không mua được gì?” đã cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về giá trị đồng tiền. Tiền có thể không mua được mọi thứ nhưng tiền có thể giúp ta giải quyết được nhiều vấn đề. Tuy vậy, ngày nay đồng tiên đang bị chi phối bởi rất nhiều lĩnh vực: quảng cáo, cá cược… Những chi phối này đã vi phạm đạo đức khi sử dụng đồng tiền vào những mục đích không tốt. Cuốn sách cho chúng ta cái nhìn và sự hiểu biết cách thực tế cách con người sử dụng đồng tiền vào đời sống.
(Chủng sinh Đa Minh Nguyễn Văn Giang)