“Những nẻo đường của thánh Giuse” là một tác phẩm làm cho người đọc được hiểu và biết rõ hơn về những chặng đường mà thánh Giuse – cha nuôi của Chúa Giêsu đã trải qua. Trên những nẻo đường đó, chúng ta gặp thấy được những khó khăn, những thử thách mà thánh Giuse đã gặp phải. Nhưng chúng ta còn gặp ở nơi ngài niềm tin vào Thiên Chúa, vào kế hoạch mà Thiên Chúa đã đặt nơi ngài. Ngay trong phần giới thiệu, tác giả đã cho chúng ta biết được thánh Giuse là ai? Vai trò của ngài trong công trình của Thiên Chúa như thế nào? Hình ảnh của thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Maria, được biết đến là người thợ mộc đã được giới thiệu trong Tin Mừng Mát thêu và Luca. Còn đối với vai trò của ngài là một người đầu tiên tham dự vào niềm tin của Mẹ Thiên Chúa; và như thế, thánh Giuse nâng đỡ bạn mình trong niềm tin vào điều thiên sứ loan báo.
Chương I: Những nẻo đường của thánh Giuse.
Tác giả đã cho chúng ta một lộ trình đi từ sự nghi ngờ của thánh Giuse khi hay biết Mẹ Maria đã có thai mà không biết nguồn gốc của thai đến từ đâu. Nhưng khi được sứ thần loan tin, ngài đã tin theo và đã mau mắn trên hành trình với Mẹ Maria để cộng tác vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Ở trong hành trình “toan tính” định tâm bỏ Maria, thánh Giuse khi được sứ thần loan tin và đã chào ngài là “Người công chính”. “Người công chính” ở đây được hiểu là người tin vào Thiên Chúa. Chính niềm tin đó mà thánh Giuse được danh hiệu “Người công chính”. Chính nhờ sự công chính, thánh Giuse đã liều mình và không nghĩ gì cho bản thân để chấp nhận trở nên người cha “bất đắc dĩ” trong thánh ý của Thiên Chúa. Để rồi từ đây, ngài không còn phải thắc mắc, khủng hoảng và định tâm rời bỏ công trình cứu độ của Thiên Chúa.
Tiếp đến, trong hành trình Bethlehem, thánh Giuse cho thấy ngài đã rất mạnh mẽ trước những khó khăn của cuộc hành trình sinh hạ Đấng Cứu Thế. Hành trình từ Nadareth đến Bethlehem đã trở nên khó khăn khi phải trải qua một quãng đường khá dài là 150 cây số. Một chặng đường quá sức gay go vì thời đó chưa lát gạch, một phần lớn vùng này ở trong lãnh thổ của Đế quốc La Mã và phương tiện di chuyển duy nhất là dùng lừa hay lạc đà. Đã hẳn khi đi đường, Đức Maria là người đang mang thai và rất khó khăn trong việc đi lại. Và cuối cùng của sự khó khăn có lẽ là lúc thánh Giuse không tìm được nhà trọ cho Đức Maria sinh con. Một sự thất vọng hiện lên trên khuôn mặt của thánh Giuse, ngài đã phải tìm một chuồng bò để cho Đức Maria sinh Chúa Hài Nhi ở đó. Thánh Giuse đã rất yêu thương Đức Maria và Chúa Hài Nhi nhưng ngài không thể làm gì hơn lúc đó. Suy nghĩ một hướng khác, tác giả đã cho chúng ta thấy, dù gặp khó khăn trên hành trình Bethlehem nhưng thánh Giuse không bối rối. Ngài vẫn phục vụ với đầy sự yêu thương và tự do của mình. Sự tự do đích thực của thánh Giuse là sự hy sinh trọn vẹn, không nghĩ đến bản thân, một lòng phục vụ vô vị lợi. Từ sự tự do đó, thánh Giuse dạy cho mỗi người cũng phải phục vụ tha nhân trong sự tự do như ngài đã thực hiện.
Sau biến cố Bethlehem, thánh Giuse lại gặp một thử thách nữa, mà lần này liên quan đến tính mạng của Chúa Hài Đồng. Khi Hêrôđê toan tính giết Chúa thì thánh Giuse đã được báo mộng trong giấc mơ phải đưa Hài Nhi sang Ai Cập vì Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi. Khi đã nhận được sứ mệnh đó, thánh Giuse không nghĩ ngợi gì, ngài đã mau mắn thực thi một hành động dứt khoắt, một sự vâng phục tuyệt đối của ngài. Thánh Giuse luôn nghe theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa một cách nghiễm nhiên không than van, không trách móc và không thắc mắc: tại sao Con Thiên Chúa phải trốn chạy kẻ phàm nhân? Thánh Giuse đã thể hiện đức vâng phục của ngài cách tuyệt đối. Chính nhờ việc lắng nghe và luôn để tâm hồn hướng về Thiên Chúa nên Ngài có đủ sức để làm mọi việc Thiên Chúa trao ban.
Biến cố tiếp theo mà tác giả muốn chúng ta trên nẻo đường của thánh Giuse là biến cố Hồi hương. Biến cố này xảy ra sau khi vua Hêrôđê Cả đã băng hà và ngài đã được báo mộng để trở về quê hương. Nhưng ngài không trở lại Bethlehem mà đến Galilê ở một thành nhỏ Nazareth. Trong cuộc báo mộng này cho thánh Giuse, thiên thần cũng báo mộng vào ban đêm. Và lại một lần nữa, chúng ta thấy sự vâng phục và can đảm để đưa Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người là Đức Maria trở về quê hương. Trong biến cố này, thánh Giuse vẫn luôn thinh lặng để thực hiện điều Chúa đã muốn ngài làm. Chúng ta không biết thánh Giuse ở Ai Cập bao lâu, nhưng thiết nghĩ thánh Giuse khi sang bên đó cũng phải làm việc, tìm nơi ở để cho Đức Maria và Hài Nhi ở. Khi đã nhận tin trở về, ngài cũng mau mắn để thi hành. Tác giả đã nhấn mạnh đến “lòng can đảm” của thánh Giuse trong cuộc trở về này. Từ đó, tác giả cũng muốn chúng ta học theo, bắt chước thánh Giuse về sự vâng phục và lòng can đảm trong cuộc sống.
Một biến cố cuối cùng có sự hiện diện của thánh Giuse trong Tin Mừng là trong chuyến đi lên Đền thờ Giêrusalem, khi đó Đức Giêsu đã được mười hai tuổi. Sự kiện hành hương lên đền thờ cho thấy thánh Giuse là người rất giữ đạo Do Thái, vì trong đạo Do Thái có những lễ buộc mọi người Do Thái phải giữ và phải trở về đền thờ Giêrusalem để dự. Trong đó, lễ Vượt Qua là lễ diễn lại cuộc vượt qua của dân Israel. Thánh Giuse đã đưa cả Đức Giêsu lên mừng lễ. Trong biến cố này, khi đã dự lễ xong, các ngài trở về nhưng Chúa Giêsu lại không đi theo các ngài trở về Nazareth. Lại một lần nữa, thánh Giuse vô cùng lo lắng và bối rối khi lạc mất Chúa Giêsu. Niềm vui của những ngày hành hương giờ đây trở nên nỗi buồn trĩu nặng, đi cả ngày đường mà hai ông bà chưa tìm gặp được con mình đâu. Những lo lắng ấy dần vơi đi khi cả hai Đấng đã lên đền thờ và tìm thấy Đức Giêsu. Niềm vui trở lại với thánh Giuse. Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu thì lại nghe được câu nói của Đức Giêsu làm cho thánh Giuse phải suy nghĩ. Nhưng thái độ của thánh Giuse vẫn là thinh lặng và để cho một mình Đức Maria lên tiếng. Dường như, hình ảnh này cho chúng ta nhận ra một người cha nhân hậu, dịu dàng và tràn đầy tình thương. Để rồi sau khi trở về Nazareth, Đức Giêsu được sống trong tình thương của thánh Giuse và Đức Maria, ngày càng trở nên khôn ngoan, lớn lên trong ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta. Vì vậy, khi kết luận phần I, tác giả muốn chúng ta hãy học nơi thánh Giuse những đức tính trên những hành trình mà thánh Giuse đã đi và càng gắn bó nghĩa thiết với ngài. Để từ đó, chúng ta tìm thấy được sự che chở mà khi xưa thánh Giuse đã làm trên những nẻo đường ngài đi để che chở cho Đức Maria và Chúa Giêsu.
Chương II: So sánh giữa tổ phụ Giuse và thánh Giuse.
Trong chương này, tác giả đã cho ta hiểu rõ hơn về hai Giuse nổi tiếng trong Kinh Thánh. Một Giuse con ông Giacóp thời Cựu Ước. Một Giuse chồng của Đức Maria, bà là Mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô. Sự giống nhau của cả hai là đều được Thiên Chúa chỉ dẫn trong giấc mơ, rồi đến cả hai đều phải lánh nạn bên Ai Cập, đều có sự liên quan tới nhà vua khi phải rời xứ mà sang bên Ai Cập. Một điểm tượng đồng có lẽ là cao cả nhất, đó là cả hai Đấng đều là Đấng Công Chính. Sự công chính ít được giới thiệu cho ai trong Cựu Ước lẫn Tân Ước. Nhưng diệu kì thay, sự công chính lại trùng hợp với cả hai người đều mang tên Giuse. Tổ phụ Giuse là người ngay thẳng, công chính nên đã chiều theo lời dụ dỗ phạm tội. Còn thánh Giuse thì lại không muốn tố giác Đức Maria vì bà đã có thai trước khi hai người về chung sống. Nhưng khi được tin sứ thần báo tin thì ngài đã một lòng cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa. Chính Đức tin của cả hai đã làm cho hai người trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Sự giống nhau của cả hai còn được thể hiện qua tính trách nhiệm. Trong khi, tổ phụ Giuse luôn tỏ ra là một con người có trách nhiệm đối với những chức vụ được giao phó; thì thánh Giuse là người luôn có trách nhiệm đối với Thánh Gia. Chính từ những điểm giống nhau đó, chúng ta được chiêm ngắm hai khuôn mẫu cho ta noi theo và học hỏi, nhất là trong đời sống của ta với Thiên Chúa. Bởi đó mà nhiều vị Giáo Hoàng đã tôn kính và noi gương các nhân đức của thánh Giuse, cũng như đã nhận thánh Giuse là “Đấng bảo trợ Giáo Hội”. Các Giáo Hoàng luôn muốn chúng ta chạy đến với thánh Giuse để kêu cầu và khẩn khoản nài xin các nhân đức của ngài.
Chương III: Nền linh đạo của thánh Giuse.
Trong chương ba, tác giả đã làm sáng tỏ cho chúng ta về nền linh đạo của thánh Giuse dựa vào các đức tính nổi bật của ngài. Cuộc sống của thánh Giuse ngay từ đầu đã được giới thiệu là người công chính. Vậy sự công chính của người được biểu đạt ở những khía cạnh nào? Đầu tiên, sự công chính của ngài được hiểu là thương xót. Tác giả diễn giải thương xót của thánh Giuse vì ngài xót thương Đức Maria đã chọn phần thiệt hại về mình, bằng cách âm thầm rời bỏ khi nghe tin Mẹ Maria có thai. Ngài không muốn tố giác Đức Maria trước hết vì tình yêu dành cho Maria và cũng là vì xót thương đến hoàn cảnh của Maria. Sự công chính của thánh Giuse còn được hiểu là kính sợ Chúa và tuân giữ lề luật. Một người luôn đặt Chúa lên trên hết và không bao giờ quên những giới luật mà Chúa đã truyền. Ngài đã nhiệt tình cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa, dù phải gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn một lòng yêu mến Chúa và giữ giới luật. Thứ đến trong linh đạo của thánh Giuse chính là con người thinh lặng. Trong tất cả các Tin Mừng, chúng ta không thấy thánh Giuse nói một câu nào nhưng ngài đã thinh lặng. Sự thinh lặng của ngài trước hết là để lắng nghe tiếng Chúa. Chính trong sự thinh lặng, Chúa đã loan báo cho thánh Giuse để rồi ngài thực hiện những điều Chúa muốn ngài làm. Sự thinh lặng còn được thể hiện trong nếp sống yêu thương và phục vụ. Ngài đã rất yêu thương và phục vụ Đức Maria và Chúa Giêsu. Dù đó là trong hoàn cảnh như thế nào đi nữa, thì một Giuse luôn luôn biết yêu thương và phục vụ hết mình. Thánh Giuse có ý thức học hỏi mọi thứ và ngài giúp cho chúng ta có một sự thinh lặng để mở lòng và ngoan ngoãn đón nhận Lời Chúa. Và cuối cùng, sự thinh lặng đã giúp ngài trở nên con người tế nhị. Ngài đã tế nhị trong từng biến cố của cuộc sống, qua những nẻo đường với vô vàn những cung bậc cảm xúc. Nhưng thánh Giuse vẫn tế nhị để tôn trọng Đức Maria và tôn trọng Người Con duy nhất. Và ngay cả những hắt hủi của chủ nhà trọ nơi Belem, của cuộc vượt đuổi tàn khốc, của nắng gió sa mạc Ai Cập, sự âu lo vì lạc mất con và những tháng ngày gian nan nghèo khó tại Nazareth. Sau cùng, trong linh đạo của người, thánh Giuse còn là con người bản lĩnh. Ngài bản lĩnh để xin vâng, để chấp nhận và để can đảm sáng tạo trong cuộc sống hằng ngày của ngài. Từ biến cố sứ thần truyền tin Đức Maria và Đức Maria đã nói lời xin vâng thì thánh Giuse cũng nói lời xin vâng như Mẹ. Ngài đã sống và cùng chung tay vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Ngài không còn giữ lại gì cho riêng mình mà đã hoàn toàn phó thác mọi sự cho Chúa. Ngài tỏ hiện lời xin vâng trong bản lĩnh chấp nhận của mình, chấp nhận những khó khăn, những lo lắng của cuộc sống và nhất là chấp nhận một cuộc sống hoàn toàn mới sau lời xin vâng. Chính vì thế, bản lĩnh của thánh Giuse được rèn luyện và can đảm để đương đầu với những chuyện xảy ra. Thử hỏi xem có người nào có thể vượt qua những khó khăn mà không có sự can đảm và nhất là có tính sáng tạo trong cuộc đời. Nhưng trong sự can đảm đó, ngài biết cậy dựa vào Thiên Chúa là Đấng ngài đã hoàn toàn phó thác và tin tưởng.
(Chủng sinh: Giuse Lưu Trung Kiên)